Hội nghị được tổ chức tại Thái Bình theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại 18 điểm cầu trên cả nước và 4 điểm cầu trực tuyến quốc tế tại các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có lãnh đạo Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường, Hội Nông sản an toàn tỉnh, một số trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai. |
Hội nghị diễn ra với hai nội dung chính gồm: “Hội nghị giao kết giữa nhà sản xuất và phân phối” và “Hội nghị kết nối cung cầu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Bình năm 2022”.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thái Bình, sản xuất nông nghiệp là thế mạnh của địa phương, trong đó sản xuất lúa chiếm ưu thế với trên 18.000 ha, sản lượng đạt 1 triệu tấn/năm với nhiều giống lúa chất lượng như Bắc thơm số 7, T10, TBR279, lúa Nhật..; sản xuất rau màu của tỉnh phát triển với các cây chủ lực như khoai tây, sản lượng đạt hơn 50.000 tấn/năm; bí xanh, sản lượng đạt 82.000 tấn/năm; cây ớt, sản lượng đạt trên 24.000 tấn/năm; lĩnh vực thủy sản phát triển với diện tích đạt trên 15.665 ha, sản lượng đạt hơn 115.000 tấn/năm. Tổng sản lượng 8 tháng năm 2022 đạt 177.000 tấn, trong đó, sản lượng khai thác đạt gần 67.000 tấn, nuôi trồng đạt trên 110.000 tấn. Đến nay tỉnh Thái Bình có 64 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao, 4 sao; có 45 sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp tiêu biểu.
Trong những năm qua, tỉnh Thái Bình đã triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng kênh phân phối truyền thống và hiện đại, củng cố và đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu; đã kết nối giữa các doanh nghiệp của tỉnh và doanh nghiệp phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước đưa các sản phẩm của tỉnh vào bán tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, các điểm dừng nghỉ, các bếp ăn tập thể của các tập đoàn sản xuất…, xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm và tiềm năng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, các nước ASEAN… Góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, duy trì ổn định kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất của tỉnh có quy mô chủ yếu nhỏ và vừa, số lượng các cơ sở, doanh nghiệp chế biến ít, thiếu các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, được chứng nhận theo tiêu chuẩn xuất khẩu, có chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng; nhiều mặt hàng có lợi thế của tỉnh đang trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu, năng lực đánh giá nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng còn hạn chế, công tác nghiên cứu thị trường chưa chủ động nên khả năng khai thác sâu các thị trường truyền thống cũng như khai thác thị trường tiềm năng còn có hạn chế nhất định.
Đại biểu tại điểm cầu Lào Cai theo dõi hội nghị. |
Hội nghị kết nối cung cầu là dịp để các doanh nghiệp Thái Bình và cả nước có cơ hội giao thương, hợp tác kinh doanh, đầu tư, quảng bá thương hiệu, sản phẩm của mình đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp nắm đầy đủ hơn về nhu cầu của các nhà phân phối, nhập khẩu, người tiêu dùng, từ đó có chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Tại hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp; Bộ Công thương hỗ trợ về thông tin thị trường, kết nối tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng nông sản, thủy sản và một số mặt hàng công nghiệp tiêu biểu của tỉnh; hỗ trợ thông tin, dự báo nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường nước ngoài. UBND tỉnh Thái Bình mong muốn UBND các tỉnh, thành phố (trong đó tỉnh Lào Cai với lợi thế về cửa khẩu giao thương với Trung Quốc) tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Thái Bình tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp của tỉnh.