Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại tỉnh Sơn La và trực tuyến với 26 điểm cầu trong nước, 15 điểm cầu quốc tế tại các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, UAE.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có lãnh đạo Sở Công thương, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Nông sản an toàn tỉnh và một số đơn vị có liên quan.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai. |
Theo báo cáo của UBND tỉnh Sơn La, hiện toàn tỉnh có 82.805 ha cây ăn quả các loại, sản lượng trên 450.000 tấn/năm. Đối với sản phẩm xoài, Sơn La hiện có 20.000 ha, sản lượng năm 2022 ước đạt 75.000 tấn. Các giống xoài chính của Sơn La gồm Xoài GL4, GL6, xoài Thái Lan, xoài bản địa. Thời gian thu hoạch từ tháng 5 đến hết tháng 8. Diện tích xoài đã được cấp mã vùng trồng là 1.400 ha, hiện tỉnh Sơn La có 37 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.
Quả xoài Sơn La đã được kết nối với các tập đoàn phân phối, chợ đầu mối, các doanh nghiệp, thương nhân tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước như: Aeon, Central Group, Mega MarKet, Lotte, Big C, Saigon.coop, Winmart, Hapro…; các chợ đầu mối nông sản, chợ truyền thống tại Hà Nội, Thanh Hóa, Hải Phòng, Bắc Ninh và xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Quốc, Mỹ, Australia, châu Âu, UAE,…
Diện tích nhãn đạt 20.000 ha, sản lượng năm 2022 ước đạt 100.880 tấn, thời vụ thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 9. Ngoài việc tiêu thụ quả nhãn tươi, Sơn La đã đẩy mạnh công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nhãn. Hiện, Sơn La có 600 cơ sở chế biến long nhãn, sản lượng năm 2022 ước đạt 6.000 tấn. Diện tích mận là 12.560 ha, sản lượng năm 2022 ước đạt 81.000 tấn. Thời gian thu hoạch mận tập trung từ tháng 4 đến tháng 6…
Để xúc tiến tiêu thụ sản phẩm xoài và nông sản, UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động chuẩn bị kế hoạch thu hái sản phẩm để phấn đấu tiêu thụ hết sản lượng xoài và các loại trái cây niên vụ năm 2022; triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ như: áp dụng quy trình sản xuất an toàn, cấp các giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, trang thương mại điện tử; hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy chế biến, các nhà lạnh, kho lạnh để đưa vào hoạt động…
Các đại biểu Lào Cai theo dõi hội nghị. |
Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, do vậy, ngoài thị trường xuất khẩu, tỉnh Sơn La xác định cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước.
Tại hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La mong muốn UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Sơn La tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa hàng nông sản, đặc biệt là sản phẩm xoài, mận, nhãn; UBND tỉnh Lào Cai cũng như các tỉnh biên giới tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu nông sản, nhất là về các thủ tục hành chính, thủ tục kiểm dịch, thông quan trong tình hình dịch Covid–19; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản; Bộ Công thương hỗ trợ về thông tin thị trường, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường trong và ngoài nước…
Các đại biểu dự hội nghị khẳng định sẽ tăng cường hỗ trợ kết nối, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm xoài và nông sản nhãn của tỉnh Sơn La.