Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Sa Pa.
Mới đây, Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Lào Cai đã giao các sở, ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh Kế hoạch thực hiện việc chuyển đổi số đối với HTX. Theo đó, quan tâm đến việc quản lý các HTX, đưa các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Lào Cai lên sàn giao dịch điện tử.
Đến năm 2021, toàn tỉnh Lào Cai có 435 HTX với số thành viên hợp tác xã là trên 6.000 người. Hợp tác xã nông nghiệp chiếm gần 50%. Doanh thu bình quân của HTX năm 2021 đạt 773 triệu đồng/năm; lãi bình quân HTX năm 2021 đạt 93 triệu đồng/năm. Số lao động làm việc trong khu vực HTX là trên 7.800 người. Thu nhập bình quân đầu người của lao động trong HTX năm 2021 đạt 38 triệu đồng. Có thể nói, khu vực HTX đã góp phần đáng kể trong phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của tỉnh Lào Cai.
Tuy nhiên, trong những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX còn nhiều hạn chế. Thứ nhất, về năng lực và tư duy, nhận thức của HTX đối với chuyển đổi số, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có một số HTX ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhưng các HTX này mới chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc. Còn ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý HTX, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm chưa được quan tâm. Thứ hai về nguồn nhân lực, phần lớn cán bộ, thành viên HTX chưa qua đào tạo về CNTT nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận và thực hiện quá trình chuyển đổi số. Năng lực khai thác thông tin, định hướng chiến lược, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, tiếp cận thị trường số, làm việc trên môi trường không gian mạng hay mức độ sẵn sàng ứng dụng và tiếp nhận đổi mới khoa học, kỹ thuật còn rất hạn chế. Thứ ba về công nghệ, hạ tầng số mặt bằng chung cho thấy hạ tầng công nghệ thông tin của các HTX, nhất là HTX nông nghiệp còn lạc hậu, nhiều HTX nông nghiệp còn chưa có máy tính, thiết bị kết nối mạng internet và còn xa lạ với các phần mềm, tiện ích như: phần mềm kế toán, quản lý sản xuất, phần mềm quản lý bán hàng,… Thứ tư về nguồn vốn đầu tư cho chuyển đổi số còn hạn hẹp. Nhìn chung, các HTX trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, chủ yếu là HTX nông nghiệp sản xuất kinh doanh theo lối truyền thống nên còn hạn chế nguồn vốn và khả năng huy động vốn không cao, thường chỉ đáp ứng đủ cho quá trình sản xuất kinh doanh, dịch vụ thuần túy của HTX. Do vậy, năng lực tài chính chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Trong thời giai đoạn tới, Lào Cai xác định mục tiêu “Từng bước chuyển đổi số, hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp thuận lợi, an toàn tiếp cận nguồn tài nguyên số. Đến năm 2025 cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội đảm bảo thống nhất, kết nối liên thông, đồng bộ.”. Do đó, chuyển đổi số HTX trong thời gian tới là tất yếu.
Để chuyển đổi số thành công, cần phải có sự đầu tư nguồn lực, quyết tâm thực hiện của tất cả các thành phần trong xã hội, đặc biệt phải khắc phục ngay những hạn chế hiện nay. Lào Cai tập trung vào các giải pháp cụ thể: Đẩy mạnh tuyên truyền, chuyển đổi nhận thức về quá trình chuyển đổi số trong phát triển HTX cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác các cấp; cán bộ chủ chốt, thành viên của Hợp tác xã; tổ chức các chuyên đề, hội thảo về chuyển đổi số; tổ chức tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình hợp tác xã trong và ngoài tỉnh thực hiện chuyển đổi số thành công; thường xuyên thông tin, truyền thông, tuyên truyền, quảng bá về các hoạt động và nội dung của chuyển đổi số doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua mạng Internet nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, HTX; hỗ trợ đào tạo chuyển đổi số cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, HTX; tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, HTX đăng ký và sử dụng các nền tảng số để chuyển đổi số; xây dựng tài liệu, ấn phẩm truyền thông về chuyển đổi số doanh nghiệp, HTX; phát triển hạ tầng số, hạ tầng cáp quang băng rộng, dịch vụ Internet cáp quang băng rộng đến khu vực doanh nghiệp, HTX phục vụ triển khai các ứng dụng số; kết nối, lựa chọn các nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; thúc đẩy chuyển đối số, ứng dụng công nghệ số vào toàn bộ quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, liên kết sản xuất; triển khai mô hình điểm và chính sách hỗ trợ mô hình điểm cho doanh nghiệp, hợp tác xã chuyển đổi số./.