Hạ tầng kinh tế cửa khẩu Lào Cai gồm có 2 cửa khẩu quốc tế được kết nối bằng 02 cầu đường bộ, 01 cầu đường sắt; 2 cửa khẩu phụ và 7 lối mở biên giới. Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật tại cửa khẩu quốc tế đã được quan tâm đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ (nhà liên ngành, các bãi kiểm hóa, hạ tầng viễn thông, điện, nước…), cơ bản phục vụ tốt công tác quản lý và đáp ứng được nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh người và phương tiện vận tải trong thời điểm hiện tại.
Hoạt động thông quan hàng hoá tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II (Kim Thành).
Hệ thống kho bãi phục vụ hoạt động logistics gồm 20 kho bãi với tổng diện tích là 200.000 m2 tại 02 khu công nghiệp nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu; trong đó có trên 2.000 m2 kho lạnh bảo quản hàng hóa xuất nhập khẩu. Có trên 200 doanh nghiệp tham gia cung cấp các dịch vụ logistics; 01 trung tâm thương mại và 13 chợ phân bổ tại 26 xã, phường, thị trấn biên giới trong đó 3 chợ có thương nhân Trung Quốc, chủ yếu là chợ phiên quy mô trao đổi hàng hóa phục vụ đời sống và sản xuất của cư dân biên giới. Có 18 cửa hàng xăng dầu và một kho chứa dung tích 4000 m3 đảm bảo cung ứng thường xuyên, đầy đủ cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng cho nhân dân địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh đó hạ tầng kết nối thương mại như đường cao tốc chưa hoàn thiện đủ 04 làn xe, đường sắt còn khác biệt khổ đường ray với phía Trung Quốc. Hạ tầng cửa khẩu quốc tế đường bộ Kim Thành – Bắc Sơn đã quá tải; thiếu hệ thống kho lạnh, kho mát cho hàng hóa xuất nhập khẩu; chưa hình thành chợ đầu mối xuất nhập khẩu và hệ thống chợ biên giới phần nhiều đã xuống cấp. Cơ chế, chính sách về đầu tư, thu hút đầu tư và Khu kinh tế cửa khẩu có nhiều sự thay đổi, không ổn định, nhiều lần điều chỉnh; đến thời điểm hiện tại lợi thế thu hút đầu tư không còn khác biệt nhiều so với các khu vực khác, chính sách ưu đãi đầu tư đang được áp dụng chung cho các Khu kinh tế, Khu công nghiệp.
Việc bố trí ngân sách trung ương, để lại nguồn thu để tái đầu tư cơ sở hạ tầng cho Khu kinh tế cửa khẩu có sự thay đổi qua từng giai đoạn, theo hướng thu hẹp dần. Chính sách về thương mại biên giới bị thu hẹp (trước đây trao đổi cư dân biên giới được miễn thuế 2 triệu đồng/người/ngày và mỗi ngày được 1 lần thì nay 1 tháng chỉ được không quá 4 lần). Đầu tư cơ sở hạ tầng chợ biên giới do các địa phương chủ động, không có hỗ trợ từ trung ương và việc thu hút doanh nghiệp đầu tư gặp khó khăn do không hiệu quả (chỉ thu hút được ở khu vực đô thị).
Quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất Khu Logistics thuộc khu Kim Thành – Bản Vược (Đồ án được UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt tại Quyết định số 3382/QĐ-UBND ngày 20/9/2021).
Để xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai trở thành 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm của quốc gia, tỉnh Lào Cai kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu bổ sung cơ chế phân chia một phần khoản thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cho ngân sách địa phương (để lại 50% các khoản thu, được hưởng 100% khoản thu vượt thu) cho các địa phương nơi phát sinh khoản thu để thực hiện đầu tư thành khu kinh tế trọng điểm
Về phát triển Khu kinh tế cửa khẩu, tỉnh Lào Cai đề nghị Chính phủ trao đổi, thống nhất với nước bạn Trung Quốc thiết lập thêm các cửa khẩu quốc tế hoặc song phương: Bản Vược (Bát Xát) – Bá Sái (Hà Khẩu – Trung Quốc); Mường Khương – Kiều Đầu (Trung Quốc). Trước mắt đề nghị đưa các cặp cửa khẩu trên thành các điểm thông quan của cửa khẩu quốc tế trong giai đoạn 2021 – 2022. Đưa Cửa khẩu quốc tế đường sắt Lào Cai – Hà Khẩu vào danh mục các cửa khẩu chỉ định được phép nhập khẩu nông sản, trái cây từ Việt Nam; đẩy nhanh việc hoàn tất thủ tục mở cửa thị trường cho trái cây, nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc (bổ sung các mặt hàng sầu riêng, bưởi, chanh leo, bơ, na, roi, dừa, khoai lang tím,…) trong đó quan tâm đối với mặt hàng thảo quả và dứa của tỉnh Lào Cai.
Về phát triển thương mại biên giới, cho phép thực hiện thí điểm trước Khu hợp tác qua biên giới với các nội dung có lợi thế, thế mạnh; trong đó phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai thành trung tâm dịch vụ trung chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, ASEAN và quốc tế; Đầu tư Trung tâm logistics hiện đại của khu vực, quốc tế; thí điểm thực hiện phát triển dịch vụ bưu chính qua biên giới để đẩy mạnh kim ngạch xuất, nhập khẩu; hoàn thiện hệ thống văn quản lý về thương mại điện tử và thương mại điện tử qua biên giới,…