Không gian hồ thủy điện Cốc Ly là một địa điểm lý tưởng bởi non nước hữu tình. Khu vực này đã có hàng chục hộ dân đăng ký nuôi cá lồng trên lòng hồ. Gần đây, nhiều khách du lịch đã ghé thăm, trải nghiệm du lịch tại sông Chảy. Bà con mong muốn du lịch phát triển, tạo hướng đi mới trong phát triển kinh tế. “Giờ nếu được phát triển du lịch thì rất thuận lợi cho bà con nuôi cá lồng ở đây”, anh Bồng Văn Quyết, ở thôn Thẩm Phúc, xã Cốc Ly cho biết.
Một trong những điểm hấp dẫn khác ở Cốc Ly là rừng nghiến tại thôn Cốc Sâm – Nơi có cây nghiến nghìn tuổi được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây Di sản Việt Nam năm 2014. Khu rừng này còn nhiều loài gỗ quý được bảo vệ nghiêm ngặt. Vẻ đẹp của rừng già đã tạo nên sự hùng vĩ, hoang sơ, thích hợp cho loại hình du lịch sinh thái.
Anh Sùng Seo Sành, Tổ trưởng Tổ Bảo vệ rừng chuyên trách địa bàn Cốc Ly cho biết thêm: “Chúng tôi đi giám sát hết rồi, vừa có cây nghiến nghìn năm tuổi lại vừa có hang động nữa. Năm nay nếu mở tuyến du lịch thì chắc chắn sẽ thuận lợi cho bà con về sau này”.
Theo kế hoạch phát triển du lịch, Cốc Ly sẽ hỗ trợ, đào tạo kỹ năng làm du lịch cộng đồng cho người dân; tổ chức các lớp tập huấn giữ gìn bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch. Hiện, một số mô hình du lịch thuộc dự án 2 của chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023; phát triển kinh tế gắn với du lịch năm 2022 đang được triển khai. Địa phương cũng đề xuất đầu tư và quy hoạch các điểm mới, thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn.
Được biết, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia thực hiện việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa vốn có để phát triển du lịch trong tương lai gần.
Với những lợi thế về cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa cùng với hướng đi đúng và cơ chế chính sách phù hợp, cấp ủy, chính quyền xã Cốc Ly hy vọng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch trên địa bàn, tạo việc làm, thu nhập cho bà con; đồng thời góp thêm một điểm đến mới, hấp dẫn cho du lịch cho du khách.
T.H