Sẵn sàng Chuyển đổi số trong lĩnh vực Báo chí truyền thông
Ban hành Đề án, cơ chế chính sách, chương trình, kế hoạch về Chuyển đổi số; xây dựng hạ tầng thông tin truyền thông đồng bộ, hiện đại; ứng dụng CNTT sâu rộng; đảm bảo an toàn an ninh thông tin;…là những giải pháp được Lào Cai triển khai nhằm đảm bảo sẵn sàng cho Chương trình Chuyển đổi số tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020- 2025.
Các cơ quan báo chí truyền thông của tỉnh không ngừng đổi mới,
đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý và sản xuất nội dung (Ảnh: Thu Hương)
Xác định hạ tầng số là một trong những hạ tầng thiết yếu cần đầu tư bài bản, dài hạn để thúc đẩy chuyển đổi số, tỉnh Lào Cai đã ban hành Nghị quyết phát triển CNTT-TT giai đoạn 2019 – 2025; Đề án số 08 về phát triển CNTT&TT giai đoạn 2020-2025; Chương trình Chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó ưu tiên những lĩnh vực trọng tâm trong chuyển đổi số là: Phát triển nền tảng cho chuyển đổi số, Xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và phát triển xã hội số. Lào Cai cũng đã ban hành Kế hoạch phát triển thông tin tỉnh Lào Cai đến năm 2025, tầm nhìn 2030; Kế hoạch triển khai Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh với mục tiêu đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân. Đặc biệt, với mục tiêu thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực thành thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí truyền thông được đặt ra là: Chuyển đổi số, xây dựng cơ quan báo chí đa phương tiện để cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin thiết yếu, định hướng dư luận xã hội, thông tin đối ngoại, quảng bá Lào Cai. Ứng dụng, đổi mới công nghệ, kết hợp các loại hình truyền thông, ứng dụng OTT để cung cấp, truyền tải các chương trình phát thanh, truyền hình của Đài PT-TH tỉnh, các nội dung trên Báo Lào Cai để người dân có thể chủ động nghe, xem, đọc mọi lúc, mọi nơi trên các thiết bị thông minh. Xây dựng hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT – viễn thông nhằm nâng cao chất lượng thông tin, tạo thuận lợi cho công tác chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương và đáp ứng nhu cầu thông tin của Nhân dân.
Lào Cai đã quan tâm phát triển hạ tầng thông tin truyền thông với hạ tầng kỹ thuật CNTT hiện đại, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở; hạ tầng viễn thông với độ bao phủ rộng, chất lượng cao, phủ sóng di động đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn, trên 95% thôn, bản; cung cấp dịch vụ internet đến 60% thôn, tổ dân phố. Việc ưu tiên nguồn lực để phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông, hạ tầng số đồng bộ gắn liền với ứng dụng đảm bảo sẵn sàng cho chuyển đổi số.
Lào Cai cũng đã hỗ trợ các cơ quan báo chí tiếp cận, sử dụng phần mềm thống kê, phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội. Nền tảng này đã giúp các cơ quan báo chí nắm bắt kịp thời thông tin, dư luận xã hội, nhờ đó nhận biết được nhu cầu thông tin, có tin bài đáp ứng đúng mong muốn của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần và cơ quan quản lý cần.
Báo chí- Truyền thông Lào Cai tích cực, thích ứng với Chuyển đổi số
Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới, có vị trí đặc biệt quan trọng, là “cửa ngõ” trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Hoạt động báo chí truyền thông được đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với sự phát triển kinh tế xã hội, quan hệ đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế. Do vậy, việc chuyển đổi số trong hoạt động báo chí truyền thông càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Với mong muốn là một trong những tỉnh tiên phong đưa công nghệ vào truyền thông, những năm qua, Lào Cai đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong triển khai các hoạt động tuyên truyền từ tỉnh đến cơ sở. Điển hình là việc khai trương Cổng giao tiếp điện tử tỉnh Lào Cai vào năm 2004. Đến nay, hệ thống Cổng TTĐT có 1 cổng chính và trên 90 cổng thành phần. Các cơ quan báo chí truyền thông của tỉnh không ngừng đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý và sản xuất nội dung, chuyển dần phương thức hoạt động truyền thống sang hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ. Năm 2007, Báo Lào Cai điện tử đi vào hoạt động. Năm 2010, Trang thông tin điện tử tổng hợp, các trang mạng xã hội Facebook, Youtube của Đài PT-TH tỉnh đi vào hoạt động. Năm 2013, khai trương Cổng Thông tin đối ngoại tỉnh Lào Cai. Tháng 4/2018, khai trương trang thông tin của UBND tỉnh Lào Cai trên mạng xã hội Facebook. Tháng 8/2019, triển khai mô hình Chính quyền thông minh trên Zalo với tên gọi “Cổng hành chính công Lào Cai” nhằm tăng cường sử dụng mạng xã hội trong đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp, người dân. Truyền thông Lào Cai hôm nay đã lớn mạnh cả về bề rộng và chiều sâu, vươn tới mọi ngõ ngách, từ nông thôn đến thành thị, đến vùng cao, vùng biên giới xa xôi. Truyền thông đã trở thành cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội, nâng cao dân trí, phát triển kinh tế – xã hội, quảng bá hình ảnh Lào Cai năng động, phát triển, là điểm đến an toàn.
Đặc biệt, trong năm 2020- 2021, hoạt động báo chí truyền thông ở Lào Cai có bước chuyển biến bứt phá. Với phương châm người dân ở đâu thông tin tới đó, Lào Cai chú trọng đầu tư phát triển các kênh thông tin chính thức trên các nền tảng số, lấy hoạt động xuất bản số làm trung tâm để sản xuất các tác phẩm báo chí chất lượng cao, tạo ra nhiều tiện ích cho người dân trong việc tiếp cận và lan tỏa thông tin. Báo Lào Cai đã nỗ lực chuyển đổi số từ mô hình tòa soạn truyền thống sang tòa soạn điện tử; trang bị hệ thống máy quay, máy dựng hình, phòng thu phục vụ việc sản xuất các chương trình, video clip; nâng cấp giao diện của Báo Lào Cai điện tử đáp ứng yêu cầu xuất bản những tác phẩm báo chí đa phương tiện. Đài PT-TH tỉnh đã triển khai có hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực hoạt động của Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu phát triển Đài thành một cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực của tỉnh và có tầm ảnh hưởng mạnh trong khu vực; đổi mới nội dung, thời lượng, quy trình sản xuất chương trình cho phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ thông tin, truyền thông và phù hợp với nhu cầu của khán thính giả. Đài đã ứng dụng công nghệ số vào hầu hết các công đoạn của quá trình sản xuất và phát sóng, các chương trình phát thanh- truyền hình được truyền dẫn trên các hạ tầng số. Tháng 6/2021, Đài PT-TH Lào Cai đã đưa vào hoạt động trang Fanpage bằng tiếng Mông trên nền tảng mạng xã hội Facebook. Đây là phiên bản báo chí của Đài trên nền tảng số, dành cho đồng bào dân tộc Mông, được thiết kế dựa trên nhu cầu của đồng bào và xu hướng của báo chí hiện đại. Việc duy trì hiệu quả các trang mạng xã hội đã giúp khán giả có thể tiếp cận các chương trình của Đài mọi lúc, mọi nơi và trên mọi thiết bị.
Phóng viên phỏng vấn trực tuyến qua zalo (Ảnh: Thu Hương)
Chuyển đổi số cũng giúp cho phóng viên tác nghiệp một cách chủ động, linh hoạt, nhanh, hiệu quả, rút ngắn khoảng cách không gian và thời gian, nâng cao chất lượng tác phẩm và tương tác hai chiều với bạn đọc. Chỉ cần một điện thoại di động kết nối 3G, 4G, phóng viên có thể kết nối trực tiếp với trường quay trung tâm; ghi hình và phát trực tiếp trên Fanpage của Báo Lào Cai, của Đài PTTH tỉnh. Phóng viên cũng có thể ghi hình, phỏng vấn từ xa thông qua mạng Internet với những nơi mà phóng viên không thể tiếp cận hiện trường như trong bão lũ, hay trong thời gian giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tăng cường sử dụng các mạng xã hội hội để tuyên truyền; nhiều video clip, nhiều bộ infographic được thiết kế trực quan, sinh động, ngắn gọn đã tạo sức hút, sự quan tâm lớn của người dân. Fanpage của Bệnh viện Sản nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã có những buổi livetream để tư vấn, hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch một cách hiệu quả.
Lào Cai cũng đã tích cực hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng CNTT – viễn thông phù hợp với điều kiện của địa phương. Giải pháp truyền thanh thông minh đã và đang được triển khai đến người dân ở huyện Bắc Hà, Bát Xát, thành phố Lào Cai và thị xã Sa Pa. Việc triển khai mô hình hệ thống truyền thanh thông minh góp phần thực hiện hiệu quả Quyết định số 135 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng CNTT cũng như công cuộc chuyển đổi số của tỉnh Lào Cai.
Với việc dùng công nghệ số để thay đổi cách làm việc, cách sản xuất, phương thức phát hành và cách tiếp cận thông tin, hoạt động chuyển đổi số trong báo chí truyền thông đã giúp người dân Lào Cai thay đổi thói quen tiếp cận thông tin. Với 1 chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, người dân Lào Cai có thể tiếp cận các nguồn thông tin chính thống. Chuyển đổi số tạo ra cơ hội cho người dân tiếp cận thông tin một cách chủ động, nhanh chóng, hiệu quả mà vẫn an toàn- đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp.
Nhằm tiếp tục lan tỏa những năng lượng tích cực trong xã hội, đáp ứng quyền tiếp cận thông tin của người dân, báo chí truyền thông Lào Cai sẽ tiếp tục đổi mới và thích ứng với công cuộc chuyển đổi số với mục tiêu cung cấp thông tin Kịp thời- Chính xác- Minh bạch, góp phần định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội. Chuyển đổi số trong báo chí truyền thông cũng là để lan tỏa thông tin, kết nối Lào Cai với thế giới, quảng bá hình ảnh Lào Cai là điểm đến thân thiện, ổn định, đổi mới, năng động và phát triển, là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư và du khách./.