Ngành thuế Lào Cai đang tập trung triển khai hóa đơn điện tử đến người nộp thuế. |
Phóng viên: Thưa bà, người dân, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi gì trong việc kê khai nộp thuế khi chuyển toàn bộ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử?
Bà Dương Thị Thu Hằng: Việc chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử là yêu cầu tất yếu, giúp doanh nghiệp, tổ chức, hộ cá nhân giảm thời gian, chi phí khi thực hiện các thủ tục hành chính thuế. Đồng thời, đây là giải pháp “vàng” đối với công tác quản lý nhà nước, giúp cơ quan thuế thuận lợi trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, không tốn thời gian đối chiếu. Ngoài ra, với độ an toàn, chính xác cao của hóa đơn điện tử, tình trạng gian lận, trốn thuế sẽ được ngăn chặn kịp thời. Sử dụng hóa đơn điện tử cũng sẽ thúc đẩy phát triển thương mại điện tử.
Người dân và doanh nghiệp được hưởng các lợi ích trong quá trình kê khai, nộp thuế, như: Giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thu không phải lập báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn định kỳ gửi cơ quan thuế; thuận lợi trong việc tích hợp dữ liệu hóa đơn điện tử vào phần mềm kế toán, giảm công sức nhân lực, hạn chế sai sót, dễ dàng tra cứu và khắc phục rủi ro làm mất, hỏng, cháy hóa đơn; dễ dàng kiểm tra trên hệ thống của cơ quan thuế để biết chính xác thông tin của hóa đơn người bán khai báo với cơ quan thuế và thông tin người bán cung cấp cho người mua, tránh được tình trạng nhận phải hóa đơn không hợp pháp; giảm thời gian cho việc phối hợp, cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra.
Phóng viên: Sau khi một số tỉnh, thành phố triển khai thí điểm hóa đơn điện tử, có những vấn đề gì nổi lên, thưa bà?
Bà Dương Thị Thu Hằng: Sau khi một số tỉnh, thành phố triển khai thí điểm hóa đơn điện tử, thấy nổi lên một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, tâm lý ngại thay đổi của người nộp thuế, nhất là hộ, cá nhân kinh doanh.
Thứ hai, tâm lý e ngại về vấn đề bảo mật thông tin của người nộp thuế cũng như về đường truyền mạng không xuất được hóa đơn khi gặp lỗi hệ thống mạng.
Thứ ba, trình độ sử dụng, đáp ứng về công nghệ thông tin của một số ít doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ, cá nhân kinh doanh còn hạn chế.
Tuy nhiên, đối với những vấn đề lo ngại của người nộp thuế, Tổng cục Thuế đã lường trước và có một hệ thống trung tâm xử lý về dữ liệu hóa đơn điện tử, đảm bảo hệ thống dữ liệu luôn được bảo mật thông tin, đường truyền ổn định, thông suốt và có các đường truyền dự phòng khi gặp sự cố. Vấn đề là cơ quan thuế và cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của hóa đơn điện tử để người dân, doanh nghiệp biết và thực hiện.
Họp bàn kế hoạch triển khai hóa đơn điện tử. |
Phóng viên: Vậy, việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử trên địa bàn tỉnh có những khó khăn, thuận lợi gì và ngành thuế tập trung khắc phục ra sao, thưa bà?
Bà Dương Thị Thu Hằng: Nhiều tổ chức, doanh nghiệp vẫn còn hóa đơn giấy chưa sử dụng với số lượng lớn, nếu hủy bỏ sẽ rất lãng phí nên chưa thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử được ngay.
Thời gian qua, Cục Thuế tỉnh nhận được phản ánh của doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân gặp khó khăn trong triển khai áp dụng hóa đơn điện tử trên hệ thống do bị nghẽn cấp mã hóa đơn điện tử.
Trước khó khăn đó, Tổng cục Thuế trực tiếp chỉ đạo Trung tâm điều hành hóa đơn điện tử, Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) phối hợp chặt chẽ với các trung tâm của các cục thuế địa phương và đơn vị cung cấp dịch vụ triển khai rà soát, nắm thêm vướng mắc của người nộp thuế, qua đó sẵn sàng có phương án hỗ trợ kỹ thuật kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và hộ, cá nhân kinh doanh.
Phóng viên: Thưa bà, doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh cần làm những gì để chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử?
Bà Dương Thị Thu Hằng: Người nộp thuế theo phương pháp kê khai cần chuẩn bị máy tính, thiết bị thông minh (điện thoại thông minh, máy tính bảng) có kết nối mạng internet, có chữ ký số và phần mềm lập hóa đơn điện tử đáp ứng quy định về việc lập hóa đơn theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP, Thông tư 78/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính và phương thức truyền nhận với cơ quan thuế.
Người nộp thuế theo phương pháp khoán cần chuẩn bị máy tính, thiết bị thông minh có kết nối mạng internet.
Trước khi sử dụng hóa đơn điện tử, người nộp thuế theo phương pháp kê khai phải thực hiện đăng ký sử dụng với cơ quan thuế theo quy định tại Điều 15, Nghị định 123/2020/NĐ-CP và được cơ quan thuế gửi thông báo điện tử qua tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử hoặc gửi thông báo trực tiếp đến người nộp thuế về việc chấp nhận sử dụng hóa đơn điện tử.
Cùng với đó, người nộp thuế theo phương pháp khoán gửi đề nghị cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh và phải kê khai, nộp thuế cho phần phát sinh của hóa đơn trước khi cơ quan thuế cấp hóa đơn.
Phóng viên: Lộ trình để hoàn thành việc chuyển toàn bộ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử ở Lào Cai như thế nào, thưa bà?
Bà Dương Thị Thu Hằng: Ngày 24/2/2022, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 206 về việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại 57 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ngày 14/3/2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cũng ban hành Quyết định số 273 triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại 57 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, Lào Cai là 1 trong 57 tỉnh, thành phố áp dụng hóa đơn điện tử từ ngày 1/4/2022.
Để thực hiện nội dung này, ngày 24/3/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 638 về việc thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ thường trực triển khai hóa đơn điện tử trên địa bàn tỉnh Lào Cai do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Mặt khác, Cục Thuế tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành cùng triển khai hóa đơn điện tử tới người nộp thuế trên địa bàn toàn tỉnh theo đúng lộ trình. Phấn đấu đến ngày 15/6/2022, có 100% người nộp thuế đang hoạt động có sử dụng hóa đơn trên địa bàn đăng ký, sử dụng hóa đơn điện tử.
Phóng viên: Cảm ơn bà đã trao đổi!
Viết Vinh (thực hiện)