Từ nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Lào Cai, những tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi, mô hình kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại của Lào Cai xuất hiện ngày càng nhiều, tác động tích cực đến thu nhập của hộ nông dân theo tiêu chí thu nhập nông thôn mới. Kết quả này là do chính sách tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn đã được chú trọng.
Công tác hướng dẫn các Tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở được triển khai tốt, góp người dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng.
Với hệ thống mạng lưới ngân hàng chính sách xã hội được phủ kín đến tất cả các xã, phường, thị trấn, cùng 2.120 Tổ tiết kiệm và vay vốn rộng khắp các thôn, tổ dân phố, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách tại tỉnh Lào Cai đạt 3.700 tỷ đồng, tăng 3.500 tỷ đồng (tăng 16 lần) so với thời điểm Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội mới đi vào hoạt động, với trên 85.000 lượt hộ vay vốn của 23 chương trình tín dụng đang triển khai.
Nguồn vốn tín dụng giúp nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế.
Đặc biệt, tỉnh Lào Cai đã dành nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển sang ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội số tiền hơn 271 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hằng năm đạt 17%, với trên 453.000 lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ. Điển hình có gia đình anh Lò Láo Tả ở thôn Tùng Sáng, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát là một trong những điển hình về sử dụng vốn vay ưu đãi hiệu quả. Năm 2014 gia đình anh đã được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bát Xát cho vay 50 triệu đồng từ chương trình vay vốn hộ nghèo để mua 2 con trâu sinh sản. Sau 2 năm, mỗi con trâu mẹ sinh được 1 con nghé. Khi đến kỳ hạn trả nợ, gia đình anh Tả đã bán 2 con trâu, đủ số tiền để trả gốc cho ngân hàng và lãi được 2 con trâu mẹ để tiếp tục gây đàn trong những năm tiếp theo. Cuối năm 2019, gia đình anh mạnh dạn vay tiếp 200 triệu đồng để xây dựng trang trại chăn nuôi với diện tích 6.000m². Gia đình áp dụng chăn nuôi theo hướng “lấy ngắn nuôi dài”, duy trì đàn lợn nái sinh sản từ 25 – 30 con và chăn nuôi gia cầm. Mỗi năm, trừ hết chi phí, gia đình anh thu được từ 200 đến 250 triệu đồng. Hằng tháng, gia đình nộp lãi đầy đủ, đúng hạn, tham gia gửi tiền tiết kiệm qua Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn.
Trường hợp chị Lù Thị Lan, dân tộc Nùng, thôn Sấn Pản, xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Năm 2015, chị Lan vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Khương, đầu tư trồng chuối trên diện tích 1 ha đất của gia đình. Nhờ chăm sóc tốt, 1.000 gốc chuối ban đầu đã cho thu nhập gần 200 triệu đồng. Năm 2018, gia đình chị trở thành một trong những hộ có quy mô canh tác chuối lớn nhất xã với hơn 3.000 gốc. Trong năm đó, chuối cho sản lượng quả cao, lại bán được giá, gia đình chị thu lãi trên 300 triệu đồng. Chị còn đảm nhận chức trách Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Khương, giúp nhiều thành viên trong thôn tiếp cận nguồn vốn, tham gia mô hình trồng chuối, phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, mỗi năm thôn Sấn Pản xuất khẩu khoảng 2.000 tấn quả, thu về hơn 10 tỷ đồng. Đến hết năm 2020, Sấn Pản chỉ còn 12/64 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 70% so với năm 2015, góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập và hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lào Cai, nguồn vốn chính sách đã giúp cho 112 nghìn hộ dân thoát nghèo; hỗ trợ tạo việc làm và duy trì việc làm cho trên 150 nghìn lao động; hơn 22 nghìn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập; cho vay hỗ trợ xây dựng cải tạo 109.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa trên 7.800 ngôi nhà cho hộ nghèo; 241 khách hàng được vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Thực tế cho thấy, chính sách tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn đã tạo điều kiện cho hàng trăm ngàn lượt hộ nông dân và các đối tượng khách hàng khác ở nông thôn tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn. Đặc biệt, với việc giảm lãi suất từ 13-14%/năm từ năm 2012 trở về trước, xuống hiện còn từ 4,5-5,5%/năm là yếu tố tích cực để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống của người dân vùng cao Lào Cai thời gian qua. Chính vì vậy, nguồn vốn tín dụng chính sách ngày càng được khẳng định là một trong những công cụ quan trọng, hữu hiệu để thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai./.