Đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông trao đầu thu cho hộ nghèo xã Gia Phú- Bảo Thắng
Theo đề án số hóa truyền hình, Lào Cai nằm trong nhóm 4, cùng với 14 tỉnh, thành phố là: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông sẽ thực hiện ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển đổi hoàn toàn sang truyền hình số mặt đất.
Tại tỉnh Lào Cai sẽ có 4909 đầu thu truyền hình số vệ tinh (DTH) và 460 đầu thu truyền hình số mặt đất (DVB-T2) được cấp, lắp đặt cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh. Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thanh và bà Vù Thị Len- Thôn Xuân Tư- xã Gia Phú- huyện Bảo Thắng là những hộ gia đình đầu tiên được lắp đặt đầu thu.
Hướng dẫn bà con sử dụng và bảo quản thiết bị
Theo chân cán bộ kỹ thuật đi triển khai lắp đặt truyền hình số mặt đất, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của mỗi người dân nơi đây. Được các cán bộ kỹ thuật lắp đặt và tận tình hướng dẫn cách sử dụng, bảo quản thiết bị, bà con ai nấy đều vui mừng phấn khởi. Bà Vù Thị Len- Thôn Xuân Tư- xã Gia Phú: “Gia đình tôi vui lắm vì giờ đây chúng tôi được xem truyền hình với chất lượng hình ảnh và âm thanh tốt hơn, chúng tôi có thể xem tin tức và giải trí sau mỗi buổi đi làm vất vả”.
Để chuẩn bị cho việc triển khai lắp đặt đầu thu truyền hình số mặt đất trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng đối tượng, tỉnh Lào Cai đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là triển khai công tác tuyên truyền; rà soát, tổng hợp số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo có đủ điều kiện hỗ trợ đầu thu truyền hình số; cử các cán bộ có chuyên môn tham gia, phối hợp việc lắp đặt, kiểm tra chất lượng đầu thu đảm bảo hoạt động tốt sau khi lắp đặt.
Triển khai lắp đặt cho các hộ dân
Việc hỗ trợ giúp các hộ nghèo, cận nghèo tiếp tục được cập nhật thông tin qua truyền hình là hoạt động có ý nghĩa thiết thực và nhân văn bởi hiện nay còn nhiều hộ nghèo dùng tín hiệu truyền hình cũ, tín hiệu không ổn định, còn khó khăn ko tự trang bị được đầu thu kỹ thuật số. Điều này thực sự đã mang lại niềm vui cho các hộ gia đình, chủ yếu là người vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ truyền hình, giúp cho bà con trong có thể chủ động tiếp cận thông tin, nâng cao dân trí, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới.
MỘT SỐ CÂU HỎI THƯỜNG GẶP Câu hỏi: Số hóa truyền hình mặt đất là gì? Trả lời: Số hóa truyền hình mặt đất là việc chuyển đổi công nghệ thu/phát sóng truyền hình tương tự mặt đất sang thu/phát tín hiệu truyền hình số mặt đất. Quá trình số hóa truyền hình mặt đất được thực hiện cả ở phía phát và phía thu nhằm mang lại nhiều lợi ích cho người xem truyền hình, cho công nghiệp truyền hình và cho Nhà nước. Khi quá trình số hóa hoàn thành, truyền hình số mặt đất sẽ thay thế hoàn toàn truyền hình tương tự mặt đất. Truyền hình tương tự mặt đất sẽ ngừng hoạt động và đi vào lịch sử như truyền hình đen trắng trước đây được thay thế bởi truyền hình màu. Câu hỏi: Những lợi ích của việc thực hiện Số hóa truyền hình mặt đất? Trả lời: * Đối với nền kinh tế – xã hội: – Lợi ích về hiệu quả sử dụng tần số vô tuyến điện. Khi hoàn thành số hóa truyền hình, một phần băng tần UHF sử dụng cho truyền hình mặt đất sẽ được giải phóng, có thêm băng tần để phát triển các dịch vụ thông tin di động băng rộng và một số dịch vụ thông tin vô tuyến khác. – Tiết kiệm được kinh phí đầu tư thiết bị, nhân công vận hành, tiền điện, nhà trạm do truyền tải được nhiều kênh chương trình trên một kênh tần số, chỉ cần đầu tư một máy phát số có thể phát được tất cả các chương trình này dẫn v.v… – Tăng số lượng kênh chương trình truyền hình, giảm đầu tư phát triển hạ tầng truyền hình do số lượng máy phát giảm, cho phép phát các kênh truyền hình có độ phân giải cao (HDTV), truyền hình 3 chiều (3D), các dịch vụ truyền hình tương tác; cho phép sử dụng anten nhỏ hơn, tiêu thụ ít năng lượng hơn góp phần cải thiện mỹ quan đô thị, giảm hiệu ứng nhà kính và thân thiện môi trường. – Hình thành thị trường truyền dẫn và phát sóng truyền hình số mặt đất nhằm thu hút các nguồn lực của xã hội, tạo điều kiện để tổ chức và sắp xếp lại hệ thống các đài phát thanh, truyền hình trên phạm vi cả nước theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa. – Bảo đảm tiết kiệm năng lượng, nguồn tài nguyên tần số quốc gia, trong khi đó việc chuyển đổi đối với người xem cũng hoàn toàn không phức tạp. * Đối với doanh nghiệp: – Với doanh nghiệp phát sóng: có cơ hội cung cấp nhiều kênh truyền hình giải trí hơn, nhiều dịch vụ giá trị gia tăng hơn, có cơ hội tham gia cung cấp thêm dịch vụ khi giải phóng được thêm tần số sau số hóa. – Với doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thiết bị thu: có điều kiện mở rộng kinh doanh, thêm mặt hàng, ngành hàng và các dịch vụ hỗ trợ để tăng nguồn thu. * Đối với người dân: + Số lượng kênh chương trình nhiều hơn (người dân ở một địa phương không chỉ thu xem được kênh truyền hình tỉnh mà còn có thể xem được các kênh truyền hình của các tỉnh khác). + Âm thanh, hình ảnh sắc nét, trung thực hơn; tín hiệu truyền hình số sẽ không còn hiện tượng “muỗi”, “bóng ma” như khi xem tín hiệu truyền hình tương tự. + Người xem có thể được xem truyền hình có độ phân giải cao (HDTV) hoặc siêu cao (SHDTV); truyền hình 3 chiều (3D TV), truyền hình trên thiết bị di động; có khả năng cung cấp nhiều dịch vụ truyền hình khác nhau, trên nhiều loại thiết bị như TV, máy tính, điện thoại di động… phục vụ việc thu xem của người dân mọi nơi mọi lúc + Mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất, cung cấp các dịch vụ truyền hình đa dạng, phong phú, chất lượng cao. Câu hỏi : Làm thế nào để xem truyền hình số khi tắt sóng Analog Trả lời: Người dân có 03 cách để xem truyền hình số 1. Mua đầu thu kỹ thuật số chuẩn DVB T2/MPEG4 Đối với những hộ đang dùng TV chưa tích hợp DVB T2 nên chuyển sang mua đầu thu kỹ thuật số chuẩn DVB T2. ( Logo con mắt – cánh sóng trên đầu thu VV Dấu hợp quy ICT in trên đầu thu DVB T2 AVG ) 2. Đăng ký dịch vụ truyền hình trả tiền Các thuê bao đang dùng dịch vụ truyền hình trả tiền bao gồm: cáp số, số vệ tinh (chảo), truyền hình thông qua đường truyền Internet (hay còn gọi là IPTV) đều KHÔNG nằm trong đối tượng phải thực hiện số hóa truyền hình. Vì vậy, nếu các hộ gia đình đang dùng TV không tích hợp vẫn có thể lựa chọn đăng ký dịch vụ truyền hình cáp số, số vệ tinh (chảo) hoặc IPTV. Truyền hình cáp số: đầu thu HD HTVC, đầu thu HD SCTV, đầu thu HD VTVcab Số vệ tinh (chảo): K+, VTC, AVG (chảo) Truyền hình thông qua internet: MyTIVI(VNPT), NetTIVI(Viettel), OneTIVI(FPT) 3. Mua tivi có tích hợp sẵn DVB T2/MPEG4 Hiện nay trên thị trường có nhiều model TV số của các hãng điện tử tích hợp tính năng thu truyền hình số theo chuẩn DVB T2/MPEG4. Các thương hiệu TV lớn ở Việt Nam như Samsung, Sony, LG… đều tuyên bố đã tích hợp đầu thu kỹ thuật số DVB T2 vào các dòng TV đời 2014. Câu hỏi: Những tivi nào được tích hợp sẵn đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2? Trả lời: Bộ Thông tin và Truyền thông quy định bắt buộc tích hợp đầu thu truyền hình số. Cụ thể: – Từ ngày 01/04/2014: áp dụng đối với tất cả các máy thu hình có kích thước màn hình trên 32 inches. – Từ ngày 01/04/2015 áp dụng đối với tất cả các máy thu hình có kích thước màn hình từ 32 inches trở xuống. Quy định này áp dụng cho tất cả các máy thu hình sản xuất trong nước cũng như các máy thu hình nhập khẩu. – Hiện tại, có khoảng 100 loại tivi khác nhau của các hãng sản xuất đã được tích hợp sẵn đầu thu DVB-T2. Câu hỏi: Cách nhận biết tivi kỹ thuật số Trả lời: Logo của tivi tích hợp DVB-T2 Để nhận biết một chiếc tivi có phải là tivi kỹ thuật số hay không có thể thông qua nhãn hàng hóa, dấu hợp quy, hoặc logo biểu trưng số hóa truyền hình gắn trên sản phẩm. (Như hình). Một cách khác để bạn có thể kiểm tra là vào phần Cài đặt (Setting) của tivi tìm mục cài đặt Digital (Digital Set-up). Nếu chiếc tivi có mục Digital trong cài đặt thì nó chính là tivi được hỗ trợ DVB-T2. Ngoài ra, một số chiếc điều khiển tivi còn có sẵn phím chức năng Analog/Digital, từ đó bạn sẽ dễ dàng nhận ra được chiếc tivi của mình được tích hợp DVB-T2. |