Theo đó, có 4 nguyên tắc hỗ trợ gồm: Bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; Xây dựng các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách; Bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện. Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ. Người lao động được hỗ trợ một lần bằng tiền (trừ các đối tượng hưởng chính sách bổ sung quy định tại điểm 7, điểm 8 mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP) chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ; không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia. Đối tượng đồng thời đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và chính sách hỗ trợ theo quy định riêng của tỉnh thì chỉ được hưởng một chính sách hỗ trợ cao nhất; Phát huy tính chủ động của các cấp, các ngành, địa phương, căn cứ vào điều kiện cụ thể để linh hoạt triển khai, đảm bảo mục tiêu, nguyên tắc và kịp thời các chính sách hỗ trợ.
Tăng cường tuyên truyền các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đến đông đảo người dân.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách: Tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn bằng các hình thức thiết thực, đảm bảo thông tin đến các đối tượng thụ hưởng và thực hiện chính sách. Các quy trình, thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ phải được thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử, trang nội bộ và niêm yết tại trụ sở các đơn vị thực hiện chính sách, các đơn vị có liên quan.
Tổ chức thực hiện chính sách: Căn cứ vào các khoản, mục của Nghị quyết số 68/NQ -CP và các điều của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg sẽ thực hiện các chính sách hỗ trợ về: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị COVID -19, cách ly y tế; hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch; hỗ trợ hộ kinh doanh theo quy định; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do).
Đồng thời, quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì, phối hợp thực hiện chính sách phải thường xuyên kiểm tra, giám sát từ việc thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách đến việc tổ chức thực hiện các trình tự, thủ tục có liên quan và việc chi trả hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động theo quy định. Niêm yết công khai kết quả thực hiện chính sách (các Quyết định hỗ trợ) tại trụ sở chính của đơn vị. Thời gian niêm yết là 5 ngày kể từ ngày quyết định được ban hành.
Đề nghị Hội đồng nhân dân các cấp, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tham gia giám sát quá trình triển khai thực hiện chính sách của các cơ quan, tổ chức trên địa bàn.
Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan và UBND cấp huyện rà soát, tổng hợp, thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đợt I/2021 trước ngày 25/7/2021.