Theo Vườn quốc gia Hoàng Liên, 9 cá thể cầy vòi mốc này có tên khoa học là Paguma larvata, tổng trọng lượng 28,7 kg.
Đây là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB theo quy định tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 21/01/2019 của Chính phủ.
Cầy vòi mốc có chung những đặc điểm của loài cầy. Tuy nhiên, cầy vòi mốc lông không có đốm. Mặt cầy có “mặt nạ” tiêu biểu gồm một vệt trắng chạy dài từ đầu xuống mũi. Mắt và má có khoảng trắng nhưng có vòng đen quanh hai mắt. Lông trên thân màu nâu cam ngả sang màu xám. Bốn chân lông màu sẫm, gần như đen. Thân cầy dài 51 – 76 cm, thêm phần đuôi là 51 – 63 cm, tức là đuôi dài xấp xỉ bằng nửa chiều dài động vật. Cầy cân nặng từ 3,6 – 6 kg.
Cầy vòi mốc săn mồi trên cây riêng rẽ vào ban đêm. Chúng ăn tạp gồm côn trùng, chim chóc và những động vật nhỏ có xương sống nhưng chuộng nhất là trái cây.
Ban ngày chúng ngủ. Khi bị náo động cầy vòi mốc xịt chất xạ từ hai tuyến gần hậu môn để phòng thân. Cầy cái sinh nở hai kỳ mỗi năm. Cầy con trưởng thành trong khoảng 3 tháng.
Ông Chu Tấn, cán bộ Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên cho biết, tại thời điểm tiếp nhận, các cá thể cầy vòi mốc đều có biểu hiện suy giảm tập tính hoang dã, sức khỏe yếu do bị tách khỏi môi trường tự nhiên, trong đó có 5 cá thể bị thương ở chân đang trong giai đoạn hoại tử phải tiến hành phẫu thuật tháo khớp khuỷu chân.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên (Vườn quốc gia Hoàng LIên) đã tiếp nhận 22 vụ với 71 cá thể thuộc 16 loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm; trong đó phần lớn là do các cơ quan chức năng bàn giao cho Trung tâm để chăm sóc, cứu hộ.
Điều này cho thấy sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và sự phối hợp của người dân đang có chuyển biến tích cực trong công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm.
Phạm Ngọc Triển