Trong đó, thu nội địa đạt 8.191 tỷ đồng, gồm thu từ thuế, phí và thu khác đạt 5.697 tỷ đồng; thu từ tiền sử dụng đất đạt 2.494 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất – nhập khẩu đạt 1.748 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 5,33%, đứng thứ 27/63 tỉnh, thành cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 82,38 triệu đồng, đứng thứ 2 trong các tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc.
Cơ cấu kinh tế có sự thay đổi so với năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,14%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 46,71%; khu vực dịch vụ do bị ảnh hưởng lớn nhất bởi đại dịch Covid-19 nên cơ cấu giảm, chiếm 39,15%.
Sản xuất lương thực được mùa, diện tích, năng suất sản lượng đều đạt và vượt kế hoạch giao, ước đạt 337.744 tấn. Lâm nghiệp phát triển theo hướng bền vững, chất lượng rừng ngày càng tăng, ước cả năm trồng rừng đạt 10.038ha, tăng 65,1%. Công nghiệp tuy có một số khó khăn nhưng đã tập trung giải quyết nên giá trị sản xuất tăng 11,2% so cùng kỳ năm 2020. Đầu tư xây dựng cơ bản được quan tâm chỉ đạo, đã hoàn thành một số công trình trọng điểm, công trình chào mừng 30 năm tái lập tỉnh. Giải ngân vốn đầu tư công triển khai đúng tiến độ, nằm trong nhóm các tỉnh thành có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước. Tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hoá qua các cửa khẩu đạt 3.503 triệu USD, tăng 8,36% so với cùng kỳ. Công nhận 5 xã hoàn thành nông thôn mới, lũy kế có 62/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao, 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành nông thôn mới. Tổ chức thành công cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 với tinh thần dân chủ, an toàn, đúng luật, tiết kiệm, tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 99,98%.
Trong năm, tỉnh đã khẩn trương triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ. Tính đến ngày 31/12/2021, tỉnh đã phê duyệt danh sách hỗ trợ cho 59.451 đối tượng với kinh phí trên 104.790 triệu đồng, thực hiện chi trả cho 59.486 đối tượng với kinh phí trên 91.816 triệu đồng.
Cùng với những kết quả đạt được trong năm 2021, Lào Cai xác định năm 2022 là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19; với những lợi thế của tỉnh, những thành tựu đạt được về phát triển kinh tế – xã hội của năm 2021, đặc biệt là quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 sẽ là tiền đề vững chắc để Lào Cai sớm phục hồi và phát triển.
Để hoàn thành và hoàn thành vượt mức 25 chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Lào Cai năm 2022, với chủ đề hành động “Đoàn kết – Kỷ cương – Thích ứng linh hoạt – Phát triển toàn diện,” tỉnh Lào Cai sẽ thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính.
Theo đó, Lào Cai tập trung thực hiện linh hoạt, an toàn, hiệu quả mục tiêu mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19 để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân; đẩy mạnh phục hồi kinh tế – xã hội, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao, đẩy mạnh cơ cấu nền kinh tế.
Huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; tăng cường quản lý trong lĩnh vực tài chính, ngân sách. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo. Tỉnh cũng đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ; phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và nâng cao đời sống nhân dân…
Để đẩy mạnh phục hồi kinh tế – xã hội, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai giao các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư; cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nâng cao chất lượng tín dụng; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân; cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực. Đẩy mạnh hoàn thành và triển khai thực hiện quy hoạch tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Ngoài ra, tỉnh Lào Cai tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút các thành phần kinh tế tham gia sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển.