Đội sản xuất số 1A (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Yên) đang quản lý hơn 800 ha rừng keo Úc khoảng 7 – 8 năm tuổi. Bà Hoàng Thị Hiên, Đội trưởng Đội sản xuất số 1A cho biết: Còn 2 năm nữa mới đến tuổi khai thác nhưng một số đơn vị đã đến đặt hàng với giá 1,8 – 2 triệu đồng/m3 gỗ, tức là khoảng 200 – 250 triệu đồng/ha, cao hơn 2 lần so với rừng gỗ nhỏ ở chu kỳ 6 năm.
Gỗ quế với đường kính lớn có giá bán cao hơn nhiều so với gỗ nhỏ. |
Ông Phạm Huy Thông, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bảo Yên Yên cho biết, công ty có hơn 3.000 ha rừng trồng, hằng năm cung cấp ra thị trường hơn 10.000 m3 gỗ tròn. Trồng rừng gỗ lớn mang lại nhiều lợi ích: Giảm công chăm sóc, nâng cao thu nhập, có lợi cho môi trường sinh thái như giảm xói mòn đất, giảm sử dụng phân bón. Công ty đang tập trung trồng, chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn. Đến nay, công ty có khoảng 1.200 ha rừng gỗ lớn, tuổi cây khoảng 8 – 10 năm.
Gia đình ông Nguyễn Minh Tiến (bản Liên Hà 1, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên) hiện có 45 ha rừng trồng khoảng 2 – 10 năm tuổi với các loại cây như bồ đề, trẩu, xoan. Ông Tiến cho biết vừa khai thác hơn 2 ha rừng trẩu 10 năm tuổi, thu gần 300 triệu đồng, tăng hơn 30% so với cùng diện tích đã khai thác cách đây 4 năm. Hằng năm, gia đình ông vẫn tỉa thưa trẩu để bán, trung bình mỗi năm thu khoảng 10 triệu đồng/ha, 1 ha trẩu trong 1 chu kỳ khai thác sẽ có 5 lần tỉa thưa. Như vậy, hiệu quả của việc trồng cây gỗ lớn cho thu nhập cao gấp nhiều lần trồng cây gỗ nhỏ.
Còn tại xã Nậm Đét (huyện Bắc Hà) – thủ phủ của cây quế Lào Cai – hiện có hơn 2.000 ha quế, trong đó diện tích quế hơn 10 năm tuổi chiếm gần 20%. Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, thời gian đầu sẽ thâm canh cây quế với mật độ dày, sau đó tỉa thưa để các cây khác phát triển. Cây quế trồng khoảng 7 – 8 năm là cho thu hoạch vỏ, càng để lâu vỏ càng dày và tinh dầu nhiều hơn. Lợi thế của cây quế là ngoài bán vỏ thì phần lá, cành, ngọn được thu mua để chiết xuất tinh dầu và thân cây làm gỗ. Theo tính toán của người trồng quế, cây quế khoảng 7 – 8 năm tuổi có giá bán khoảng 300 – 400 nghìn đồng, cây hơn 10 năm tuổi có giá 1,5 – 2 triệu đồng, quế từ 20 năm tuổi trở lên có giá 3 – 4 triệu đồng/cây. Như vậy, cây quế càng lâu năm có giá trị kinh tế tăng theo cấp số nhân.
Lào Cai có tổng diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp gần 430.000 ha, trong đó diện tích đất có rừng là hơn 354.000 ha, diện tích rừng trồng sản xuất gần 85.000 ha. Được biết, hiện diện tích rừng trồng cây gỗ lớn gần 66.000 ha nhưng chỉ khoảng 20% diện tích là thực sự đạt rừng gỗ lớn (chu kỳ khai thác hơn 10 năm), nên giá trị kinh tế rừng chưa cao và thu nhập của người trồng rừng còn thấp. Trước thực tế đó, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế rừng. Đơn cử như dự án trồng mới 3.856 ha rừng cây gỗ lớn trên diện tích đất trống, vườn rừng của hộ gia đình, nương sắn bạc màu tại 13 xã nằm 2 bên đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (giai đoạn 2016 – 2020). Tham gia dự án, người dân được hỗ trợ cây giống và công chăm sóc trong 3 năm đầu và người dân cam kết trồng, chăm sóc rừng theo quy định, khai thác khi rừng được hơn 10 năm tuổi, đồng thời không được khai thác trắng.
Dự án trồng mới, cải tạo 105 ha rừng bồ đề lấy nhựa sản xuất cánh kiến trắng (giai đoạn 2018 – 2020). Thực hiện dự án, Chi cục Kiểm lâm và hạt kiểm lâm các huyện tiến hành đo vẽ, điều tra hiện trạng về mật độ, tình hình sinh trưởng và dự kiến biện pháp tỉa thưa, chăm sóc, xây dựng hồ sơ, lựa chọn giống cây trồng để lấy nhựa, đồng thời hỗ trợ mô hình trồng gừng xen dưới tán rừng (thực hiện trong 3 năm đầu khi rừng chưa khép tán) góp phần cải tạo đất và nâng cao thu nhập cho người dân. Theo tính toán, dự án sẽ giúp tăng thu nhập của rừng trồng bồ đề từ mức 70 – 100 triệu đồng/ha/chu kỳ (6 – 7 năm) lên ít nhất 600 – 800 triệu đồng/ha/chu kỳ (12 – 15 năm).
Một khu rừng bồ đề được quy hoạch thành rừng gỗ lớn. |
Theo đánh giá, so với rừng trồng gỗ nhỏ, năng suất bình quân rừng gỗ lớn không cao hơn nhưng đường kính cây to hơn; lợi nhuận từ rừng gỗ lớn cao hơn nhiều lần tùy theo tuổi khai thác và đường kính cây. Chỉ tính riêng đối với loại cây trồng phổ biến là cây keo, mỡ, bồ đề, đến năm thứ 6 vẫn là rừng trồng gỗ nhỏ nên chỉ có thể bán làm dăm gỗ, gỗ bóc, giá trị đạt 100 – 130 triệu đồng/ha. Thế nhưng khi trở thành rừng gỗ lớn (cây từ 10 – 14 năm trồng mới khai thác), sản lượng đạt khoảng 200 – 240 m3/ha và hầu hết các cây đã đạt đường kính khoảng 20 cm. Lúc đó, gỗ sẽ được bán theo giá gỗ xẻ, gỗ chế biến với giá trị ở mức 1,8 – 2 triệu đồng/m3, giá trị đạt 200 – 250 triệu đồng/ha, cao gấp 2 đến 2,5 lần giá trị rừng gỗ nhỏ. Ngoài ra, trồng rừng gỗ lớn tiết kiệm chi phí giống, công chăm sóc, phân bón và góp phần hạn chế suy thoái đất rừng, tăng độ phì nhiêu từ lá hoai mục và chống xói mòn đất.
Tuy nhiên, theo nhận định của các cơ quan chức năng và các địa phương, để trồng và chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn trên quy mô lớn gặp những khó khăn như: Chu kỳ kinh doanh rừng dài nên chỉ những hộ đủ vốn và có diện tích lớn mới có điều kiện trồng rừng gỗ lớn; kỹ thuật trồng, chăm sóc cây gỗ lớn của nhiều hộ dân còn hạn chế; các chính sách hỗ trợ, khuyến khích còn ít, do đó chưa thu hút được nhiều hộ trồng rừng tham gia.
Ông Vũ Hồng Điệp, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Để mở rộng diện tích rừng gỗ lớn cần triển khai nhiều giải pháp thiết thực và đồng bộ. Trong đó, cần có cơ chế và chính sách phù hợp để hỗ trợ, khuyến khích người dân tự nguyện chuyển đổi trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn. Cần có chính sách giúp người trồng rừng tiếp cận vốn, khoa học – kỹ thuật, thị trường… để họ yên tâm sản xuất. Người dân cũng cần chủ động, linh hoạt trong sản xuất để có thu nhập ngay trên diện tích rừng gỗ lớn trong thời gian dài chờ đến kỳ thu hoạch.