Quang cảnh hội nghị hiệp thương lần thứ nhất do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức.
Phóng viên: Hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp là nhiệm vụ quan trọng của cơ quan MTTQ Việt Nam, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Giàng Seo Vần: Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, là dịp để cử tri phát huy quyền, nghĩa vụ của công dân, lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng, thật sự có đức – tài – tâm – tầm đại diện cho Nhân dân tham gia Quốc hội và HĐND các cấp, tạo nền tảng vững chắc để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN “của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân”. Việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử là giai đoạn rất quan trọng trong quy trình tổ chức bầu cử để thỏa thuận cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp. Đây cũng là bước để lập danh sách sơ bộ và lựa chọn lập danh sách chính thức bảo đảm dân chủ, chọn được người tiêu biểu ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, đại diện cho trí tuệ của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Phóng viên: Việc lấy ý kiến của cử tri tại nơi cư trú và công tác đối với những ứng cử viên có vai trò như thế nào trong công tác hiệp thương, thưa ông?
Ông Giàng Seo Vần: Kết quả nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi công tác và nơi cư trú đối với các ứng cử viên là căn cứ quyết định việc lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp tại hội nghị hiệp thương lần thứ 3. Do đó, việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Theo đó, hội nghị phải đảm bảo các yêu cầu: Phát huy dân chủ trực tiếp một cách đầy đủ; phải được tiến hành chặt chẽ, công khai, đúng thời gian, thành phần theo quy định; bảo đảm cử tri đến tham dự đúng thành phần, số lượng theo quy định; phát huy vai trò chủ trì của MTTQ Việt Nam trong việc điều hành chương trình hội nghị, tạo không khí dân chủ, cởi mở để cử tri tích cực tham gia góp ý đối với từng người ứng cử…
Phóng viên: Đến nay, kết quả của hiệp thương lần thứ nhất và những chuẩn bị cho công tác hiệp thương lần thứ 2 tại Lào Cai đã diễn ra như thế nào, thưa ông?
Ông Giàng Seo Vần: Đến ngày 9/2/2021, công tác hiệp thương lần thứ nhất đã được MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh hoàn thành. Kết quả, cấp tỉnh, đối với bầu cử đại biểu Quốc hội, đã tổ chức hiệp thương thỏa thuận số đại biểu được bầu cư trú, làm việc tại địa phương là 4 đại biểu, phân bổ cho 7 cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu 17 người với cơ cấu: Nam là 11 người, nữ là 6 người; dân tộc Kinh 11 người, dân tộc Mông 3 người, dân tộc Tày 2 người, dân tộc Giáy 1 người.
Đối với bầu cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XVI, đã thống nhất tổng số đại biểu được bầu là 55 đại biểu, dự kiến phân bổ cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương giới thiệu 193 người (14 cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh giới thiệu 71 người; 9 huyện, thị xã, thành phố và cơ sở giới thiệu 122 người). Về cơ cấu giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XVI: 123 nam, 70 nữ; dưới 40 tuổi là 32 người; người không phải đảng viên là 24 người; tái cử 22 người; dân tộc Kinh 92 người, dân tộc Mông 34 người, dân tộc Dao 14 người, dân tộc Tày 28 người, dân tộc Nùng 10 người, dân tộc Giáy 6 người, dân tộc Hà Nhì 4 người, dân tộc Phù Lá 4 người, dân tộc Mường 1 người.
Ở cấp huyện, tổng số đại biểu HĐND được bầu là 298 đại biểu, dự kiến phân bổ cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương giới thiệu 838 người, trong đó nam 478 người, nữ 360 người; dưới 40 tuổi có 383 người, không phải đảng viên có 100 người, tái cử 120 người, dân tộc thiểu số 431 người.
Tổng số đại biểu HĐND cấp xã được bầu là 3.228 đại biểu, số lượng người được giới thiệu ứng cử của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, thôn, tổ dân phố là 9.294 người. Trong đó, nam 5.681 người, nữ 3.613 người; dưới 40 tuổi 5.533 người, không phải đảng viên có 2.372 người, tái cử 2.021 người, dân tộc thiểu số 6.373 người.
Để chuẩn bị cho hội nghị hiệp thương lần thứ 2 (được tổ chức từ ngày 15 đến 19/3/2021), ban thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã triển khai thực hiện nội dung bước 2 của quy trình hiệp thương hướng dẫn nội dung, trình tự, thủ tục đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.
Phóng viên: Là cơ quan thực hiện nhiệm vụ hiệp thương, kiểm tra, giám sát, cơ quan MTTQ đã lựa chọn những nhiệm vụ nào là chính, thưa ông?
Ông Giàng Seo Vần: Mục tiêu cao nhất của cuộc bầu cử là chọn ra được người có đủ đức, tài, góp phần nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Do đó, ban thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ động phối hợp, cử đại diện tham gia cùng cơ quan nhà nước đồng cấp thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử; chủ trì, phối hợp với chính quyền cùng cấp tổ chức hội nghị cử tri ở nơi cư trú để lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri trước khi tổ chức hội nghị hiệp thương.
Cơ quan MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh phát huy vai trò nòng cốt, chủ trì tổ chức hiệp thương, lựa chọn giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; chủ trì tổ chức các hội nghị cử tri để ứng cử viên gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri, thực hiện quyền vận động bầu cử; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện quyền bầu cử, tự mình đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử và giám sát việc bầu cử.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!