Suốt đời theo Bác
Trong ký ức của cựu chiến binh già Trần Quang Thành, hiện là Bí thư Chi bộ thôn Mường 1, xã Xuân Giao (Bảo Thắng), không chỉ ông mà mọi người ngày ấy đều chung ý chí đánh đuổi giặc Mỹ, thực hiện di nguyện độc lập cho dân tộc của Bác kính yêu.
Vóc dáng đô thị loại I. |
Năm 1971, khi vừa 18 tuổi, chàng thanh niên Trần Quang Thành đăng ký tham gia khóa huấn luyện hơn 2 tháng tại thị xã Lào Cai để được hành quân vào Nam. Sau 2 tháng trời miệt mài, anh được thông báo không đủ điều kiện vì sức khỏe chỉ ở hạng B2. Khoác chiếc ba lô rời đơn vị, lòng anh nặng trĩu, hẫng hụt vì không được ra chiến trường trực tiếp cầm súng chống lại kẻ thù. Tuy nhiên, nhớ lời Bác dạy: “Thi đua ái quốc nhằm ba mục đích chính: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Tức là làm cho nhân dân no, ấm, biết chữ, làm cho Tổ quốc độc lập, tự do”, nên về quê, anh bắt tay vào nhiệm vụ mới, làm công nhân ở Nông trường Phú Xuân (Bảo Thắng). Với tinh thần ái quốc, ý chí tuổi trẻ, anh hăng say trong công việc, là một trong những người dẫn đầu các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” chi viện cho chiến trường miền Nam của đơn vị.
Ở nông trường được 2 năm, anh Thành lại viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Ngày cầm giấy khám tuyển sức khỏe loại A, anh mừng khôn xiết. Sau 2 tháng huấn luyện ở Hà Bắc rồi hành quân vào Nam, anh nhận nhiệm vụ làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội 3, C12, Trung đoàn Cầu đường 99 trực thuộc Bộ Tư lệnh 559. Đó là tiểu đội công binh, có nhiệm vụ làm cầu dã chiến cho các đoàn xe qua.
Đóng chân tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), một trong những vùng “đất lửa”, tiểu đội của anh Thành gặp rất nhiều khó khăn, hiểm nguy khi làm nhiệm vụ. Nơi đây luôn hứng chịu những trận “mưa” chất hóa học của Mỹ, đất đai cằn khô, cây cối chết đứng, mà trên bầu trời thì luôn gầm gào máy bay Mỹ. Để tránh sự do thám của địch, tiểu đội phải cắt cử nhau làm xuyên đêm để mỗi cây cầu bị đánh sập, mỗi đoạn đường bị xới tung đều được thay thế bằng những cây cầu dã chiến cho các đoàn xe bon bon…
Ông Thành không nhớ nổi mình và đồng đội đã làm bao nhiều cây cầu nối thông suốt con đường đánh giặc, nhưng cây cầu có tính quyết định trong cuộc đời làm lính cũng như trong đại thắng mùa Xuân năm 1975 thì ông nhớ mãi. Cuối tháng 2/1975, trung đoàn của ông được lệnh hành quân vào Nam theo Quốc lộ 1. Lúc này, quân ngụy bắt đầu rút về Sài Gòn, tháo chạy đến đâu chúng đánh sập cầu đến đó. Đoàn của ông đi ngay sau quân giải phóng, cây cầu nào bị đánh sập thì nối lại cầu, sông nào chưa có cầu thì bắc cầu tạm cho xe cơ giới qua. Thế trận như chẻ tre, quân ta thần tốc đêm ngày với 5 mũi tiến về giải phóng Sài Gòn. Cánh quân của ông về đến Đồng Nai thì dừng lại bởi cầu Biên Hòa bắc qua sông Đồng Nai vào Sài Gòn dài 20 nhịp đã bị phá hủy 2 nhịp. Nhiệm vụ đặt ra là nối liền cây cầu trong thời gian nhanh nhất. Thời tiết tháng 4 như đổ lửa nhưng chỉ trong vòng 12 tiếng, 2 nhịp cầu với chiều dài 108 m đã hoàn thành. Cầu thông xe vào lúc 0 giờ ngày 29/4, thì 11 giờ 30 phút ngày 30/4, cả nước vỡ òa trong niềm vui đại thắng.
Nhắc đến Bác trong câu chuyện của mình, ông Thành xúc động: “Với những người đã từng chiến đấu ngoài mặt trận, Bác luôn là niềm tin tất thắng để mỗi khi gặp nguy nan, chúng tôi lại có dũng khí bước tiếp trên con đường Người đã chọn”.
Sau bao năm theo đường binh nghiệp rồi về địa phương công tác, giờ đã ở tuổi nghỉ ngơi nhưng ông vẫn luôn nêu gương sáng trong các hoạt động của bản làng, thôn xóm. Với vai trò là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh của thôn, ông đã có nhiều định hướng, chỉ đạo giúp người dân phát triển kinh tế, xây dựng thôn, bản bình yên, gia đình hạnh phúc. Thôn Mường Bo 1 có 136 hộ thì chỉ còn có 9 hộ nghèo.
Noi gương Bác trong từng việc làm
Hòa chung niềm vui đến trường sau kỳ nghỉ dài bởi dịch Covid-19, ngày 4/5, học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (thành phố Lào Cai) háo hức với những ngày học mới. Đến trường trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên thầy cô giáo và học sinh đều tuân thủ mọi quy định của Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh… Bên cạnh đó, để tạo môi trường an toàn, tiện ích cho học sinh, thầy cô giáo còn sáng tạo máy rửa tay diệt khuẩn tự động. Chiếc máy có thiết kế nhỏ gọn tựa như chiếc bình ủ nước thường sử dụng tại mỗi gia đình, rất tiện di chuyển. Vỏ máy làm bằng nhựa alu nhẹ, bền và cứng. Bên trong máy có bình chứa dung dịch sát khuẩn. Khi người dùng đưa tay vào, hệ thống cảm biến lắp ở thân máy sẽ nhận biết và tự động phun ra một lượng vừa đủ nước rửa tay khô dưới dạng phun sương hoặc nhỏ dòng. Thời gian thao tác chỉ mất 3 – 4 giây và không cần tiếp xúc trực tiếp với máy nên tránh được việc lây lan virus từ người này sang người khác (nếu có).
Nghe thì đơn giản nhưng để hoàn thiện chiếc máy, các thầy cô đã phải nghiên cứu cơ chế hoạt động, tìm các linh kiện phù hợp để lắp ghép, rồi chạy thử, chỉnh sửa mất gần 3 tuần lễ. Cô giáo Triệu Kim Huệ cho biết: Làm máy rửa tay diệt khuẩn tự động không khó, quan trọng là sự tỉ mỉ, dụng công và sự tính toán sao cho phù hợp giữa các bộ phận, chức năng trước khi hợp thành một chiếc máy hoàn chỉnh. Chúng tôi mong qua hoạt động sáng chế này sẽ khơi gợi niềm đam mê sáng tạo cho học sinh, để các em hiểu rằng không gì là không thể nếu như chúng ta nỗ lực.
Máy rửa tay diệt khuẩn tự động do thầy cô giáo nhà trường sáng chế giúp học sinh bảo vệ sức khỏe trước đại dịch Covid-19. |
Chung niềm đam mê sáng tạo như cô giáo Huế, ở Trường THCS Lê Quý Đôn, mỗi thầy cô giáo, mỗi học sinh đều là một cá nhân điển hình thi đua “Dạy tốt, học tốt”. Trường Lê Quý Đôn luôn là lá cờ đầu của thành phố và toàn tỉnh về mọi mặt, đặc biệt là trong các kỳ thi, cuộc thi học sinh giỏi. Không dừng lại ở các cuộc thi cấp tỉnh, thành phố, nhiều em đã ghi tên vào bảng vàng danh dự ở các cuộc thi trong và ngoài nước. Tiêu biểu như em Nguyễn Minh Tùng, học sinh lớp 9A giành Huy chương Vàng cuộc thi Olympic Toán quốc tế Singapore và châu Á – ASMO 2018 tổ chức tại Hà Nội, là học sinh duy nhất của tỉnh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen trong đợt sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; hoặc em Nguyễn Việt Hoàng, học sinh lớp 7B giành Huy chương Vàng môn Toán trong kỳ thi Olympic quốc tế Khoa học, Toán và tiếng Anh ASMO 2019 diễn ra tại tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc)…
Nhiều năm liền đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, lao động tiên tiến cấp tỉnh, thành phố, đón nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, hàng nghìn lượt giáo viên, học sinh được vinh danh, trao thưởng tại các cuộc thi, kỳ thi, danh hiệu lớn của thành phố, của tỉnh, của Bộ và của Chính phủ… Đó là những mốc son ghi dấu sự nỗ lực không ngừng của thầy và trò Trường THCS Lê Quý Đôn.
Cô giáo Phạm Thị Khánh Hường, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: Trường đang trong lộ trình xây dựng, phát triển, trở thành trường chất lượng cao của tỉnh. Để đạt được mục tiêu đó, mỗi thầy cô và học sinh luôn nêu cao tinh thần tự học và sáng tạo. Những kết quả đạt được sẽ là tiền đề để nhà trường thực hiện tốt hơn các hoạt động chuyên môn, đặc biệt là việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Sau 4 năm thực hiện Chỉ thị 05 ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tỉnh Lào Cai ghi nhận hàng trăm mô hình, hàng nghìn cá nhân và tập thể tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác. Trong số họ có những người đã đi qua nhiều cuộc chiến, có những người sinh ra khi đất nước hòa bình, mỗi người một công việc, hoàn cảnh, nhưng đều có điểm chung ở mỗi hành động, việc làm, luôn noi gương Bác Hồ kính yêu.