Hoa tầm xuân ở vùng đất Y Tý (huyện Bát Xát). |
Một ngày tháng Tư đầy nắng, trên hành trình khám phá vùng đất xinh đẹp và hoang sơ Y Tý (huyện Bát Xát), chúng tôi bất ngờ khi thấy ngay bên đường là những vạt hoa, hàng rào hoa hồng leo tuyệt đẹp. Hoa hồng leo, còn gọi là hoa tầm xuân, gắn với một sự tích về tình cảm anh em. Chuyện kể rằng, xưa kia có hai anh em mồ côi cha mẹ sống nương tựa vào nhau và rất mực yêu thương nhau. Hằng ngày, người anh vào rừng lấy củi mang bán, săn bắt để nuôi em, không muốn cô em gái bé nhỏ của mình phải vào rừng xa nguy hiểm. Cô em gái rất thương anh và nghe lời anh dặn, thường ở nhà chờ anh đi làm. Cô có thể nghe được tiếng chim và từ sáng tinh mơ đã trở dậy ca hát cùng bầy chim.
Giọng hát thánh thót của cô đã làm một con quỷ dữ trong rừng sâu mê đắm. Một ngày nọ, nó tìm cách dụ dỗ và bắt cô bé cùng đàn chim nhốt trong chiếc lồng mang vào rừng rậm. Dù tìm mọi cách dọa nạt, dỗ dành nhưng con quỷ vẫn không được nghe cô bé hát. Nó giận dữ đạp đổ chiếc lồng khiến cô bé bị thương rồi treo chiếc lồng trên cây và bỏ đi. Vì muốn cứu bầy chim nhỏ, cô bé cố gắng bẻ cong những chiếc nan lồng, bàn tay cô rớm máu và thật kỳ lạ khi những chiếc nan lồng thấm máu cứ dài mãi ra thành dây leo có gai cắm xuống mặt đất.
Người anh về nhà không thấy em đâu vô cùng lo lắng vội vã đi tìm, miệng luôn gọi tên em: Xuân ơi! Xuân ơi! Dù vượt qua bao đồi núi, người anh vẫn không tìm thấy em mình. Một ngày kia, người anh đến khu rừng âm u nọ và chỉ thấy những cây hoa thân đầy gai leo trên cây đang nở hoa rực rỡ. Người ta gọi đó là hoa tầm xuân. “Tầm” nghĩa là tìm, còn “Xuân” là tên cô bé đã hóa thành loài hoa rực rỡ.
Còn trong ca dao Việt Nam, hình ảnh hoa tầm xuân cũng rất quen thuộc. Trèo lên cây bưởi hái hoa/Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân/Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc/Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay. Thực tế, hoa tầm xuân không có màu xanh, có lẽ đó chỉ là màu của nỗi nhớ thương của chàng trai dành cho người mình yêu khi cô gái đã đi lấy chồng.
Câu chuyện cổ tích cũng như lời bài ca dao về loài hoa tầm xuân đã khiến bao trái tim xúc động về tình cảm anh em, tình cảm đôi lứa yêu nhau. Còn vẻ đẹp và sức sống mãnh liệt của hoa tầm xuân trong đời thực cũng thật bất ngờ. Cùng là hoa hồng, nhưng tầm xuân không “khó tính” mà có thể mọc ở bất cứ đâu, trên vùng đất khô cằn hay lầy lội, cả nơi bờ rào, bờ dậu. Chỉ cần một cành tầm xuân cắm xuống đất là mấy hôm sau đã bén rễ mọc lên. Tầm xuân càng leo cao càng khỏe và đẹp, có thân hồng leo dài cả chục mét bám vào bờ rào. Mùa xuân, từ gốc cây đâm ra những mầm mới mập mạp, khỏe khoắn.
Hoa tầm xuân có nhiều màu sắc khác nhau: Hồng, trắng, tím, đỏ… nhưng phổ biến hơn cả ở Sa Pa, Bắc Hà là hoa cánh kép màu hồng. Còn ở vùng đất Y Tý có loại tầm xuân đặc biệt hoa màu hồng tím, phớt trắng, bông có nhiều cánh và rất thơm. Có gốc tầm xuân cổ thụ đã hóa thân gỗ to như cổ tay trẻ em leo lên cây mận bung hoa tuyệt đẹp. Những chùm hoa bung nở với bông hoa cánh kép màu hồng đậm, hồng phớt, tỏa hương dìu dịu, rung rinh trong nắng gió, sương bay. Hoa tầm xuân leo lên cả những mái nhà trình tường, những chiếc cổng gỗ của các home stay, những hàng rào trường học… làm cho bức tranh bản làng thơ mộng, bình yên đến lạ. Bất kỳ du khách nào đến vùng đất này cũng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của tầm xuân và không quên ghi lại những hình ảnh đẹp về loài hoa này.
Hoa tầm xuân không chỉ đẹp mà còn thơm thoang thoảng dễ chịu, là một vị thuốc trong đông y dùng để thanh nhiệt, giải độc. Vì vậy mà nhiều người ngắt những chùm hoa tầm xuân đang độ rực rỡ đem sấy khô làm trà hoa hồng. Những chùm hoa tầm xuân tươi thắm đầy sức sống trở thành món quà ý nghĩa mà người vùng cao tặng du khách tới thăm nhà. Hoặc đơn giản, chỉ với một bình hoa tầm xuân thơm hương đặt trên khung cửa sổ trong gian nhà đất nhỏ cũng trở thành những hình ảnh khiến du khách mãi không quên.