Xã Na Hối có hơn 1.000 hộ thuộc 12 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào Tày chiếm 15%, đồng bào Nùng 28% và đồng bào Mông 17%. Theo ông Nguyễn Như Ruân, Bí thư Đảng ủy xã, việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc đã được Đảng ủy, UBND xã quan tâm, khuyến khích, điển hình là làn điệu xòe của đồng bào Tày.
Đội văn nghệ xã Na Hối biểu diễn tại Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà năm 2019. |
Nhờ các hoạt động văn hóa được tổ chức mà hầu hết người Tày ở độ tuổi trung niên biểu diễn thành thục điệu xòe truyền thống. Na Hối được biết đến như “cái nôi” của các điệu xòe cổ đậm đà bản sắc. Tại đây, múa xòe có nhiều điệu, mỗi điệu có những nét riêng nhưng đều xuất phát từ cảm hứng và tượng trưng cho đời sống, lao động, sản xuất của người dân địa phương.
Bà Vàng Thị Ưởng, Trưởng thôn, Đội trưởng Đội văn nghệ xung kích thôn Na Áng A cho biết, khi lên 10 tuổi đã được học các điệu xòe truyền thống của đồng bào Tày. Bà bảo, xưa kia, vào những lúc nông nhàn, người Tày xã Na Hối thường rủ nhau đến những bãi đất trống trong xã để tổ chức hội xòe và truyền dạy điệu múa truyền thống cho lớp trẻ trong thôn, xã. Điệu xòe mà hầu như người Tày nào cũng thuộc lòng là đại xòe. Trong tiếng nhạc trầm bổng, đại xòe giúp gắn kết tình cảm, thể hiện tinh thần đoàn kết của người Tày trong cuộc sống, đây cũng là “sợi dây” gắn kết nhiều cặp đôi nên vợ, thành chồng. Ngoài đại xòe, người Tày ở xã còn gìn giữ được nhiều điệu xòe cổ độc đáo như xòe khăn, xòe đập lúa (phạt-khẩu), xòe chiêng (pa-nhăm-pa), xòe mò cá (pi-a), xòe nón, xòe quạt… Tất cả các điệu xòe đều có ý nghĩa riêng và được nghệ nhân kết hợp với cây đàn tính.
Năm 2008, sau khi được bà con tín nhiệm bầu giữ chức Trưởng thôn, bà Ưởng đã vận động người dân trong thôn thành lập Đội văn nghệ xung kích thôn với 15 thành viên. Đội văn nghệ vừa tập luyện vừa truyền dạy các làn điệu xòe cổ cho thế hệ trẻ. Từ năm 2017, đội văn nghệ thường xuyên được các nhà hàng, khách sạn, homestay trong huyện mời biểu diễn xòe phục vụ du khách. Mỗi tháng, đội văn nghệ biểu diễn khoảng 5 – 10 chương trình, mỗi chương trình được trả thù lao khoảng 1 – 1,2 triệu đồng.
Bà Ưởng chia sẻ rằng, mục đích chính của đội văn nghệ là giữ gìn, bảo tồn và truyền dạy các điệu xòe truyền thống. Được mời biểu diễn chính là cơ hội để người Tày xã Na Hối giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình đến với du khách trong nước và bạn bè quốc tế. Đặc biệt, du khách nước ngoài rất hào hứng tìm hiểu, xem và tham gia biểu diễn các điệu xòe. Công việc biểu diễn cũng góp phần tăng thu nhập cho những “nghệ nhân” trong thôn.
Ngoài làn điệu xòe của đồng bào Tày, nghề dệt vải, may, thêu trang phục của người dân tộc Mông xã Na Hối cũng được các cấp chính quyền và người dân tích cực bảo tồn.
Ông Nguyễn Như Ruân cho biết thêm: Xã còn thành lập được 2 đội văn nghệ xung kích, mỗi đội có khoảng 12 – 15 thành viên tại thôn Na Hối Tày và thôn Na Áng A. Họ sẵn sàng biểu diễn, phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa dân gian của khách du lịch. “Tuy nhiên, điều tôi trăn trở là việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Nùng còn nhiều khó khăn do vấn đề nội tại, nguồn lực và xã vẫn tiếp tục tìm hướng tháo gỡ” – ông Ruân nói.
Về du lịch và dịch vụ, xã hiện có 5 cơ sở lưu trú loại hình homestay. Trước khi xảy ra dịch Covid-19, mỗi tháng các cơ sở này đón khoảng 2.000 lượt khách tới nghỉ dưỡng và hàng nghìn lượt khách du lịch vãng lai. Ngoài những nét văn hóa đặc sắc truyền thống, phong cảnh bản làng với những nếp nhà sàn, vườn mận Tam hoa cũng níu bước chân nhiều du khách. Xã Na Hối còn được mệnh danh là “đất ngựa đua” với tổng đàn hơn 500 con ngựa. Hằng năm, xã Na Hối đóng góp vào Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà hơn 20 ngựa đua. Nhiều nài ngựa tại xã Na Hối đã giành giải cao như Vàng Văn Cương, Vàng Văn Quyết, Vàng Văn Huỳnh… Văn hóa nuôi ngựa đua cũng là một trong những tiềm năng thu hút khách du lịch đến nơi đây.
Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, du lịch cộng đồng sẽ là hướng đi nhiều triển vọng giúp người dân Na Hối phát triển kinh tế.