Lào Cai phấn đấu tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 10,2% trong năm 2021.
Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. Để chủ động ứng phó với dịch bệnh, tỉnh Lào Cai đã xây dựng nhiều kịch bản để linh hoạt trong công tác chỉ đạo điều hành, kiên trì mục tiêu kép, kiểm soát tốt dịch bệnh, ổn định, phát triển kinh tế. Dự kiến, tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2021 của tỉnh Lào Cai đạt 10,2%; trong đó, ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,87%; công nghiệp tăng 15,87%; xây dựng tăng 12%; dịch vụ tăng 7,9%; thuế sản phẩm tăng 6,29%; thu ngân sách trên địa bàn tăng tối thiểu 10% so với nghị quyết HĐND tỉnh giao đầu năm.
Theo đó, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh cần thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các biện pháp, chủ động phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát không để dịch bệnh phát sinh và lây lan trên địa bàn tỉnh; chú trọng truyền thông, khuyến cáo cách phòng, chống dịch bệnh nhằm nâng cao hiểu biết, ổn định tâm lý của người dân; đấu tranh quyết liệt với những thông tin thất thiệt, thiếu chính xác, nhất là trên môi trường mạng để củng cố niềm tin, tạo đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp, đồng lòng, tham gia phòng, chống, kiểm soát thành công dịch bệnh.
Đồng thời, tập trung hỗ trợ khôi phục sản xuất, thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đối với ngành nông nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động thực hiện các mục tiêu kế hoạch năm 2021 của ngành đảm bảo đạt kế hoạch. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cần tập trung phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu cơ chế chuyển đổi mục đích sử dụng đất linh hoạt đối với đất nông nghiệp kém hiệu quả nhằm nâng cao giá trị kinh tế. Đẩy mạnh việc quy chủ rừng đối với diện tích rừng hiện có, đảm bảo đến năm 2023 hoàn thành trên địa bàn toàn tỉnh; trong năm 2021 tham mưu thực hiện một số nội dung cụ thể, nhằm xác định rõ phần diện tích do nhà nước quản lý, phần diện tích giao cho người dân quản lý gắn với việc sắp xếp, đổi mới các Công ty Lâm nghiệp (Bảo Yên, Văn Bàn), các Nông trường (Phong Hải, Thanh Bình) và trên một số địa bàn trọng điểm như: Thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai, huyện Bát Xát.
Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa vào hoạt động các nhà máy chế biến dứa, chuối, chè tại huyện Mường Khương, nhà máy chế biến dược liệu tại Bát Xát; nhà máy chế biến gia súc, gia cầm tại huyện Bảo Thắng; quyết liệt thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, ưu tiên giành các nguồn kinh phí để thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) đối với các dự án chế biến nông, lâm sản của tỉnh nhất là các nhà máy chế biến mà tỉnh đã có nguồn nguyên liệu đầu vào như chế biến tinh dầu sả, quế… để có sản phẩm xuất khẩu…
Đối với ngành công nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Công thương chủ động thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) năm 2021 tối thiểu đạt 43.200 tỷ đồng (tăng 2.800 tỷ đồng so với Nghị quyết HĐND tỉnh giao từ đầu năm 2021); chủ trì tham mưu tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp đồng thời đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và đưa các dự án, công trình sớm vào hoạt động. Làm việc với các nhà máy, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao sản lượng một số sản phẩm như: quặng apatit (đạt trên 4,5 triệu tấn), vàng thỏi (1.100 kg), bạc thỏi (1.100 kg), phân DAP và MAP (1.100 tấn), điện phát (4.200 triệu kwh),… và sản xuất một số sản phẩm mới như: phốt pho đỏ, dệt may, chuối, dứa chế biến, chè…Tiếp tục duy trì sản xuất các sản phẩm công nghiệp chế biến, trong đó ngành hóa chất, phân bón tăng từ 15-18%; duy trì công suất phát điện của các nhà máy thủy điện đã hoàn thành từ những năm trước…
Đối với ngành xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu đảm bảo huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt kế hoạch giao; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn XDCB, phấn đấu nằm trong nhóm 10 tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước. Các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố được giao là chủ đầu tư tập trung hoàn thiện các quy hoạch như: Quy hoạch tỉnh; Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Sa Pa, tỉnh Lào Cai, đến năm 2030; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Trung tâm huyện Si Ma Cai; Quy hoạch chung dọc tuyến sông Hồng, các quy hoạch phân khu thuộc Quy hoạch chung đô thị du lịch Y Tý, quy hoạch phân khu thành phố Lào Cai,… và tổ chức triển khai xây dựng một số công trình trọng điểm nhất là các công trình chào mừng 30 năm tái lập tỉnh. Đặc biệt, khởi công Cảng hàng không Sa Pa; hoàn thành đường nối đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đến thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai theo hình thức hợp đồng BOT; khởi công Xây dựng Cầu biên giới tại Bản Vược và hạ tầng kết nối (nâng cấp Tỉnh lộ 156 đoạn Kim Thành – Ngòi Phát); đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án các bậc thủy điện trên sông Hồng…
Đối với các ngành dịch vụ như du lịch, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp đảm bảo mục tiêu lượng khách du lịch đạt kế hoạch giao, bù đắp sự sụt giảm do tác động của dịch COVID và suy giảm kinh tế; xây dựng Chương trình kích cầu du lịch trong đó hướng vào khách nội địa – Chương trình kích cầu tạo hiệu ứng lan tỏa, thu hút khách du lịch nhất là khách du lịch nội địa. Phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của Lào Cai; khẩn trương xây dựng và đưa vào khai thác sản phẩm du lịch tâm linh mới; tiếp tục phát triển dòng sản phẩm du lịch thể thao…
Về thu ngân sách nhà nước, UBND các cấp, cơ quan Thuế, Hải quan và các cơ quan liên quan có trách nhiệm tập trung đẩy mạnh công tác thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Giao Sở Tài chính chủ trì rà soát, tham mưu UBND tỉnh quyết định giao chỉ tiêu phấn đấu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2021 tăng tối thiểu 10% so với dự toán HĐND tỉnh đã giao đầu năm./.