100% cán bộ xã Nậm Chạc sử dụng thành thạo VNPT-iOffice. |
Đường về Nậm Chạc hôm nay dễ dàng hơn nhiều so với 10 năm trước. Tuy nhiên, vị trí địa lý, tự nhiên không mấy ưu ái khiến Nậm Chạc gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. Xã Nậm Chạc có 8 thôn với 581 hộ, chủ yếu là đồng bào Mông, Dao, Giáy. Kinh tế phần lớn tập trung vào phát triển nông nghiệp.
Đón chúng tôi trong căn phòng gọn gàng với bộ bàn ghế đơn sơ, trên bàn làm việc là chiếc máy tính xách tay nhỏ, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã chia sẻ quan điểm: Chuyển đổi số đâu phải điều khó thực hiện. Như trên bàn làm việc của chúng tôi, từ khi thực hiện chuyển đổi số đã tiết kiệm lớn chi phí cho văn phòng phẩm. Tất cả các văn bản, tài liệu (trừ văn bản, tài liệu mật) đều được số hóa gửi đến cán bộ, công chức xã thông qua hệ thống VNPT-iOffice.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và UBND huyện Bát Xát về chuyển đổi số, trong những năm qua, xã Nậm Chạc đã có nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính, số hóa mọi hoạt động và đạt nhiều kết quả. Từ năm 2017, Nậm Chạc đã áp dụng chữ ký số đối với cơ quan chính quyền. Năm 2020, Đảng ủy xã triển khai chữ ký số và đến năm 2021, có 100% tổ chức, đoàn thể sử dụng chữ ký số.
Cũng trong năm 2021, tất cả cán bộ, công chức xã đã sử dụng thành thục hệ thống gửi, nhận văn bản VNPT-iOffice. Thực hiện cuộc họp không tài liệu, trước mỗi cuộc họp, các văn bản nội dung được chuyển đến từng người qua hệ thống VNPT-iOffice. Đối với trưởng thôn, bản, trước kia phải in công văn, đem đến tận thôn thì nay được chuyển đổi bằng hình thức gửi qua ứng dụng Zalo, E-mail. Các trưởng thôn cũng là những người cập nhật nhanh về công nghệ, có thể sử dụng thành thạo các ứng dụng.
Xã Nậm Chạc còn được huyện trang bị 1 màn hình LCD cỡ lớn phục vụ họp trực tuyến. Từ đầu năm 2022 đến nay, xã đã tham gia hơn 20 cuộc họp trực tuyến từ Trung ương đến địa phương. Trước đây, đối với hầu hết hội nghị, xã phải cử cán bộ ra huyện, ra tỉnh, thậm chí về Trung ương họp. Khoảng cách từ Nậm Chạc đến trung tâm huyện khoảng 30 km, đến tỉnh khoảng 40 km, do đó nếu cán bộ, công chức xã dự họp trực tiếp sẽ mất nhiều thời gian và chi phí.
Xã Nậm Chạc có 23 cán bộ, công chức. Đến thời điểm này, 100% cán bộ, công chức có máy tính kết nối internet, hệ thống mạng LAN ổn định. Từ đầu năm đến nay, có hơn 600 văn bản đến, hơn 1.000 văn bản đi được cập nhật trên phần mềm quản lý văn bản điều hành VNPT-iOffice; hơn 600 văn bản được tạo hồ sơ công việc, được ký số và phát hành văn bản điện tử; khoảng 2.000 hồ sơ, thủ tục hành chính được tiếp nhận tại bộ phận một cửa thông qua phần mềm dịch vụ công trực tuyến; hơn 900 hồ sơ được cập nhật trên dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.
Chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã, mà còn “gõ cửa” đến các hộ. Với chiếc điện thoại thông minh trên tay, “cả thế giới mở ra trước mắt”, nhất là đối với một số hộ nông dân, chuyển đổi số giúp họ áp dụng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Điển hình như gia đình ông Trần Văn Thắng ở thôn Cửa Suối. Nhờ chuyển đổi số mà gia đình ông mạnh dạn đưa giống xoài Đài Loan về trồng, đến nay đã cho thu hoạch và trở thành mô hình trồng cây ăn quả tiêu biểu của địa phương.
Ông Trần Văn Thắng cho biết, năm 2017, qua giới thiệu của người quen và bản thân tự dành thời gian tìm hiểu qua internet, YouTube, nhận thấy khí hậu và thổ nhưỡng tại thôn phù hợp nên ông đã mua 400 cây xoài giòn giống Đài Loan về trồng. Trong thời gian chờ thu hoạch, ông tìm hiểu thêm qua internet cách chăm sóc và những kỹ thuật cơ bản để xoài đạt năng suất, chất lượng. Sau 3 năm, xoài cho thu hoạch đúng như kỳ vọng là quả to, giòn, ngọt, được thị trường ưa chuộng.
Thấy mô hình trồng xoài giòn của gia đình ông Thắng đạt hiệu quả kinh tế, một số hộ cũng học hỏi, làm theo. Họ vừa tham khảo kỹ thuật từ mô hình thực tế của gia đình ông Thắng, vừa tự lên các trang mạng tìm hiểu cách phòng, trừ sâu, bệnh, cách khắc phục một số vấn đề trong chăm sóc xoài giòn. Hiện xã Nậm Chạc có 5 ha xoài giòn, trong đó 2 ha đã cho thu hoạch.
Nông dân Nậm Chạc còn tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong trồng chuối mô với tổng diện tích khoảng 200 ha, giá trị kinh tế có thể đạt 120 triệu đồng/ha. Hoặc việc sử dụng giống lúa lai thay thế giống lúa địa phương năng suất thấp giúp năng suất lúa bình quân tại xã đạt 58 tạ/ha, trong khi lúa địa phương chỉ đạt 40 tạ/ha…
Chuyển đổi số đã “gõ cửa” từng thôn, bản xã vùng III biên giới Nậm Chạc, người dân nhanh nhạy nắm bắt cơ hội chuyển đổi số, sử dụng thành thạo giao dịch điện tử, giảm nhiều thủ tục hành chính cũng như thời gian, chi phí đi lại. Theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Vũ Anh Tuấn, để chuyển đổi số tiếp tục đạt kết quả, xã sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và người dân triển khai các mô hình chuyển đổi số, để chuyển đổi số thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.