Theo thống kê, tỉnh Lào Cai hiện có 2.240 hộ dân tộc Phù Lá, với 10.276 khẩu; 593 hộ dân tộc Bố Y, với 2.537 khẩu. Đồng bào Phù Lá và Bố Y cư trú tại 37 thôn, thuộc 22 xã, tại các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng và thị xã Sa Pa. Với nguồn lực hỗ trợ, đầu tư từ Quyết định 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của hai dân tộc đã có những thay đổi tích cực.
Ảnh minh họa
Chăm chỉ làm ăn, nâng cao thu nhập
Trước đây đồng bào dân tộc phù lá ở thôn Ngải Phóng chồ, xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà chủ yếu theo phương thức canh tác truyền thống, do vậy tỷ lệ hộ nghèo khá cao so với những dân tộc khác trong thôn. Từ năm 2018 đồng bào dân tộc Phù Lá trong thôn đã được hỗ trợ phát triển sản xuất theo Quyết định 2086/QĐ-TTg. Anh Giàng Củi Sếnh, thôn Ngải Phóng Chồ, xã Thải Giàng Phố, phấn khởi cho biết: Nhờ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất gia đình anh đã được hỗ trợ trồng 0,5ha cỏ voi đủ cung cấp lượng cỏ tươi cho 3 con trâu của gia đình, ngoài ra gia đình anh còn được hỗ trợ sửa sang làm truồng trại nuôi nhốt gia súc, đảm bảo kiên cố, ấm áp vào mùa đông. Hiện nay gia đình anh đang đầu tư xây dựng thêm khu truồng trại để nuôi lợn đen bản địa theo hướng hàng hóa, gia đình anh hiện đang là một trong rất nhiều hộ nghèo của thôn Ngải Phóng Chồ dần thay đổi tư duy về phát triển sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi theo hướng hàng hóa.
Tại xã Tung Chung Phố, để tạo sinh kế cho 20 hộ dân là người dân tộc Bố Y ở thôn Páo Tủng, Đề án đã được hỗ trợ trên 6.500 cây mận tam hoa cùng với phân bón và tập huấn cho bà con kỹ thuật trồng và chăm sóc cây. Với những người nông dân nơi đây, sự hỗ trợ ấy đã mang lại cho họ thêm sinh kế để xóa đói giảm nghèo. Việc hỗ trợ này căn cứ trên việc khảo sát tâm tư, nguyện vọng và điều kiện thực tế của bà con nhân dân nên nhận được sự đồng thuận lớn của bà con.
Tại huyện Mường Khương, cũng trong năm 2019, địa phương đã thực hiện hỗ trợ khoảng 40 con trâu, bò cho các hộ và nhóm hộ dân tộc Bố Y ở thôn Lao Hầu, xã Thanh Bình. Anh Lồ Củi Thàng, Trưởng thôn Lao Hầu bộc bạch: “Chúng tôi rất vui, trước kia vì nghèo quá nên bán hết trâu, bò đi, nhờ có chính sách này mà chúng tôi lại tái đàn trở lại. Nhờ Quyết định 2086, nhiều hộ nghèo tại thôn có nhiều điều kiện để vươn lên thoát nghèo. Chỉ cần chăm chỉ làm ăn thì không lo bị đói nữa”.
Đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động văn hóa
Thực hiện Quyết định 2086/QĐ-TTg, Bắt đầu từ năm 2019, Ban Dân tộc tỉnh đã ký hợp đồng với Trường Cao đẳng Lào Cai trong việc hướng dẫn các nội dung về ca, múa, nhạc và dẫn chương trình cho các đội văn nghệ. Qua đó hàng chục lớp học múa, hát, học tiếng dân tộc được triển khai đều khắp ở các huyện nơi có đồng bào Bố Y và Phù Lá sinh sống. Khi bắt đầu thành lập các đội văn nghệ, đề án hỗ trợ trang phục dân tộc, nhạc cụ, đạo cụ và một phần kinh phí… để các thành viên có điều kiện tập luyện, biểu diễn. Không chỉ đơn thuần hỗ trợ xây dựng, tập luyện, đội ngũ giảng viên còn hướng dẫn bà con cách sưu tầm những bài hát, điệu múa, sử dụng nhạc cụ đã bị mai một, phát triển, nâng tầm các giá trị văn hóa bằng các làn điệu mới phù hợp và gần hơn với giới trẻ để thực hiện truyền dạy lại cho các thế hệ sau.
Đến thời điểm này đã có 14 đội văn nghệ thôn bản tại 12 xã trên địa bàn các huyện có đồng bào Phù Lá, Bố Y sinh sống được thành lập, tập luyện. Trong đó, có 3 đội văn nghệ dân tộc Bố Y, 11 đội dân tộc Phù Lá. Bên cạnh đó, hàng chục lớp học tiếng dân tộc cũng đã được mở tại các thôn bản để tổ chức dạy tiếng Phù Lá, Bố Y gốc với phương thức truyền khẩu.
Trong 5 năm, đã có 37 thôn có đồng bào dân tộc Bố Y, Phù Lá tại tỉnh được ngân sách Trung ương bố trí trên 29,65 tỷ đồng để thực hiện đào tạo cán bộ, hỗ trợ phát triển sản xuất; bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc là 12 tỷ đồng. Năm 2020, nguồn ngân sách tiếp tục bố trí thực hiện Đề án là gần 53 tỷ đồng (trong đó, vốn đầu tư cơ sở hạ tầng hơn 34 tỷ đồng…).
Có thể nhận thấy trong những năm qua nhờ triển khai, thực hiện tốt các chính sách dân tộc, cuộc sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh trong đó có dân tộc Phù Lá, Bố Y đã được cải thiện rõ rệt, làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn. Công tác giảm nghèo của địa phương đạt được những kết quả quan trọng; hệ thống chính trị được tăng cường củng cố; trật tự xã hội bảo đảm ổn định, an ninh, quốc phòng được giữ vững./.