Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nông Đức Ngọc trò chuyện với đồng bào dân tộc thiểu số. |
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?
Ông Nông Đức Ngọc: Thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, như Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; nhóm chính sách hỗ trợ về phát triển kinh tế – xã hội theo các quyết định số 755, 102, 2085, 2086… của Thủ tướng Chính phủ.
Thông qua các chính sách, đồng bào các dân tộc thiểu số được hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, áp dụng khoa học – kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, từ đó có thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo. Hàng nghìn hộ có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất. Các chính sách về giáo dục, đào tạo đối với học sinh dân tộc thiểu số đặc biệt được quan tâm thực hiện. Hiện 100% dân tộc thiểu số có con em học các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được hỗ trợ về sách vở, gạo, học phí. Chính sách bảo hiểm y tế được thực hiện đúng quy định, đồng bào các dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản. Các phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp được duy trì và bảo tồn; an ninh, trật tự trong vùng dân tộc thiểu số cơ bản ổn định. Đồng bào các dân tộc thiểu số đoàn kết, tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng và các chính sách của Nhà nước.
Phóng viên: Quá trình triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh còn có những khó khăn gì, thưa ông?
Ông Nông Đức Ngọc: Việc triển khai các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn gặp một số khó khăn. Đó là một số đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã trong giai đoạn 2016 – 2020 thuộc khu vực III khi đạt chuẩn nông thôn mới, theo Quyết định 861 ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ thì được phân định là xã khu vực I, đồng nghĩa với việc người dân không còn được hưởng các chính sách hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước, bao gồm hỗ trợ xây dựng hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ phát triển sản xuất, nông nghiệp, lâm nghiệp; đầu tư cho giáo dục; bảo hiểm y tế, đất ở, đất sản xuất; ưu đãi tín dụng… Trong khi đó, hơn 2 năm trở lại đây, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, mất việc làm, không có thu nhập hoặc thu nhập không ổn định, dẫn đến tái nghèo, cũng như tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
Các chính sách dân tộc giai đoạn 2016 – 2020 đã kết thúc năm 2020 và được tích hợp vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, chương trình này cũng như các chương trình mục tiêu quốc gia khác trên địa bàn vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện các văn bản quy định hướng dẫn thực hiện, Trung ương chưa giao vốn cho địa phương, do đó các chính sách đầu tư hỗ trợ chưa được thực hiện, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Phóng viên: Từ những khó khăn, vướng mắc, Ban Dân tộc tỉnh có đề xuất cơ chế như thế nào, thưa ông?
Ông Nông Đức Ngọc: Để giảm bớt khó khăn đối với đồng bào dân tộc thiểu số do tác động của Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Dân tộc đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh cho phép kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND để tiếp tục hỗ trợ học sinh các xã khu vực II, III đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Thông qua các chính sách, đồng bào các dân tộc thiểu số được hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, áp dụng khoa học – kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, từ đó có thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo. |
Đề nghị Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phân định xã khu vực I là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; còn đối với xã mới đạt chuẩn nông thôn mới thì được xếp là khu vực II đến khi đạt nông thôn mới nâng cao. Mặt khác, trên cơ sở tiêu chí phân vùng theo Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị tính thêm tiêu chí phụ đối với khu vực đô thị và các xã, phường, thị trấn thuộc vùng miền núi, vùng cao, giúp các địa phương khó khăn như tỉnh Lào Cai có thêm nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ được giao đạt hiệu quả tốt nhất.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
Thanh Nam (thực hiện)