Những năm gần đây, người dân xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập. Đảng ủy, UBND xã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo người dân chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Xã hiện có hơn 120 ha dâu nuôi tằm cho thu nhập từ 16 đến 18 triệu đồng/sào. Số vốn đầu tư ban đầu ít, lại được hợp tác xã đối ứng trước nên nông dân chỉ phải bỏ công trồng dâu, kén tằm đến kỳ thu hoạch bán cho hợp tác xã.
Hoặc như việc lãnh đạo, chỉ đạo người dân trồng quế, đến nay, xã Liêm Phú có hơn 1.000 ha, trong đó có khoảng 700 ha quế hữu cơ. Năm 2020, người dân trong xã thu hơn 20 tỷ đồng từ quế. Công ty Cổ phần sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam đã được giao đất xây dựng nhà máy chế biến quế hữu cơ tại thôn Ỏ, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2021, sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 200 lao động địa phương. Cây quế còn góp phần nâng diện tích che phủ rừng của xã từ 69% năm 2017 lên 72% năm 2020.
Người dân xã Liêm Phú tích cực giúp nhau xóa nhà tạm. |
Ông Hoàng Văn Hơn, Chủ tịch UBND xã Liêm Phú khẳng định, thành công lớn nhất trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 là cấp ủy đảng, chính quyền xã đã lãnh đạo, chỉ đạo người dân phát triển kinh tế, trong đó đặc biệt chú trọng phát huy tiềm năng, thế mạnh, tạo điều kiện để người dân làm giàu ngay trên đồng đất quê hương. Nhờ đó đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã Liêm Phú chỉ còn hơn 7%, thu nhập bình quân của người dân đạt hơn 33 triệu đồng/năm, 100% mục tiêu Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2015 – 2020 đạt và vượt. Đây là cơ sở để Đảng bộ xã đưa ra mục tiêu phấn đấu trở thành xã phát triển khá của huyện Văn Bàn trong nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Chủ trương đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương được Đảng bộ huyện Văn Bàn quan tâm toàn diện nhằm góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Đồng chí Nguyễn Thành Sinh, Bí thư Huyện ủy Văn Bàn cho biết: Những năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện quyết liệt quán triệt và thực hiện hiệu quả các nghị quyết về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, đảm bảo linh hoạt, phù hợp với điều kiện của huyện; xây dựng và thực hiện quy chế làm việc; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy trình công tác; xây dựng và thực hiện chế độ làm việc theo chương trình, kế hoạch; tăng cường hướng về cơ sở; tích cực phân quyền, giao việc cho cơ sở; thực hiện luân chuyển cán bộ từ huyện xuống cơ sở và khắc phục tư tưởng cục bộ địa phương, ngại đổi mới…
Đối với huyện Bảo Yên, xác định rõ lợi thế của địa phương, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ra nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất các cây trồng, vật nuôi chủ lực giai đoạn 2015 – 2020 và định hướng đến năm 2025. Với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông – lâm nghiệp và tăng thu nhập trên 1 ha canh tác; phát triển thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh cho những sản phẩm chủ lực, vừa hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI nhiệm kỳ 2015 – 2020 trên thực tế, vừa góp phần thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” và xây dựng nông thôn mới. Huyện ủy xác định tập trung phát triển 5 cây trồng chủ lực, 1 cây trồng tiềm năng và 3 vật nuôi thế mạnh. Nhờ đó, Bảo Yên đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa khá rõ nét. Đó là vùng trồng quế gần 20 nghìn ha, vùng chè hơn 700 ha, vùng cây hồng không hạt, cây dâu tằm, cây sả, chanh leo; đối với vật nuôi là phát triển đàn trâu, gà đồi và vịt bầu Nghĩa Đô. Với việc lựa chọn đúng, trúng và có nhiều đổi mới trong lãnh đạo, đến hết năm 2019, giá trị gia tăng ngành nông – lâm nghiệp của huyện đã đạt 995 tỷ đồng, tăng 360 tỷ đồng so với năm 2015, “về đích” sớm hơn 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Theo đồng chí Nguyễn Anh Chuyên, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên, vận dụng sáng tạo các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh vào điều kiện cụ thể của huyện nhiệm kỳ 2015 – 2020, Huyện ủy đã xây dựng 4 chương trình, 16 đề án làm “giá đỡ” cho sự phát triển toàn diện của địa phương. Công tác lãnh đạo của Huyện ủy không chỉ bằng các chỉ thị, nghị quyết mà còn thực sự đồng hành với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Cốt lõi chính là giao việc, phân công nhiệm vụ cụ thể gắn với hiệu quả công việc, từ đó nêu cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên.
Tương tự, tại thị xã Sa Pa, Thị ủy luôn bám sát chỉ đạo của cấp trên, có nhiều đổi mới trong lãnh đạo, với những chỉ đạo toàn diện, sát sao. Trong năm 2020, Ban Thường vụ Thị ủy tập trung triển khai 6 chương trình lớn như làm đường giao thông nông thôn, xóa phòng học tạm, các thôn, bản đều có điện lưới, có loa truyền thanh, nhà văn hóa. Đặc biệt, đối với chương trình xóa nhà tạm, Thị ủy đã thành lập các tổ công tác do các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Thường trực Thị ủy phụ trách; chỉ đạo các địa phương rà soát số hộ có nhà tạm, nhà dột nát, trên cơ sở đó kêu gọi xã hội hóa giúp đỡ. Chỉ trong thời gian ngắn, thị xã Sa Pa đã huy động được hơn 5 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng 294 nhà tạm, đột nát. Đến nay, thị xã Sa Pa không còn hộ phải ở trong nhà tạm.
Ban Thường vụ Thị ủy Sa Pa thường xuyên làm việc với các đảng ủy để kịp thời giải quyết những khó khăn ngay tại cơ sở. |
Sự đổi mới mạnh mẽ trong công tác lãnh đạo của nhiều tổ chức đảng trên địa bàn tỉnh những năm qua đã thể hiện trách nhiệm của Đảng trước Nhân dân. Những việc làm đổi mới đã củng cố thêm tinh thần đoàn kết trong Đảng, Nhân dân đồng thuận, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị đề ra.