Các quy định về trách nhiệm nêu gương khá đầy đủ, chặt chẽ và có tính ràng buộc cao, tuy nhiên, thực tế triển khai ở nơi này, nơi khác vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở Trung ương và các địa phương, trong đó có tỉnh Lào Cai. Điều đó đã tác động tiêu cực đến uy tín của tổ chức đảng, đảng viên, ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Đảng, để lại những hệ lụy không tốt trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Những hạn chế đó do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên sâu xa từ chính ý thức tu dưỡng, rèn luyện và thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; mặt khác, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, tổ chức đảng có nơi bị buông lỏng, thiếu sâu sát, nhất là trong khâu kiểm tra, giám sát và đánh giá trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Để tăng cường trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trong những năm qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản quy định cụ thể, chi tiết như: Quy định số 101 ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp; Chỉ thị 05 ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Quy định số 08 ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Cụ thể hóa sự chỉ đạo của Trung ương phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, tỉnh Lào Cai đã kịp thời ban hành nhiều văn bản quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong nhiều năm qua. Có thể nói, các chỉ thị, nghị quyết, quy định của tỉnh Lào Cai về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên khá đầy đủ, chặt chẽ về mặt phân cấp và trách nhiệm thực hiện.
Nhờ đó, vai trò gương mẫu đi đầu của hầu hết cán bộ, đảng viên đã được phát huy, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đánh giá cao. Chỉ tính từ năm 2016 đến hết quý I/2022, tỉnh Lào Cai đã có 289.087 lượt cán bộ, đảng viên tự giác cam kết nêu gương (trong đó 43.073 là số lượt cán bộ chủ chốt và người đứng đầu tự giác cam kết, chiếm 14,9% tổng số lượt bản đăng ký). Toàn tỉnh có 9.212 chuẩn mực đạo đức đã được ban hành, khái quát thành khẩu hiệu, treo trang trọng ở trụ sở làm việc ở các địa phương, cơ quan, đơn vị để nhắc nhở cán bộ, đảng viên học tập, tu dưỡng và noi gương Bác; kịp thời biểu dương khen thưởng 1.512 tập thể và 9.428 cá nhân, trong đó 20 tập thể, cá nhân nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều cán bộ, đảng viên gương mẫu, đi đầu trong thực hành công vụ, hết lòng, hết sức vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Lào Cai. Nhiều hành động nhân văn, nhân ái vì con người và cuộc sống cộng đồng đã xuất hiện phổ biến ở các địa phương, cơ sở, cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh. Những kết quả nêu trên là minh chứng sinh động cho tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong nhiều năm qua.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đảng ta đã nêu lên chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất “6 dám” (dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung).
Để khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ngày 19/5/2018, Ban Bí thư đã ban hành Nghị quyết số 26 về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, trong đó đặt ra yêu cầu phải “bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”. Cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và khuyến khích cán bộ phát huy phẩm chất “6 dám”, ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14 về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”.
Để thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương gắn với thực hành phẩm chất “6 dám”, thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng cần quan tâm một số vấn đề sau:
Thứ nhất, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục dành sự quan tâm, chăm lo đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ người dân tộc thiểu số có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.
Thứ hai, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm nêu gương, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt và người đứng đầu các cấp. Đây là cơ sở, tiền đề quan trọng để cán bộ, đảng viên thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nội dung đã cam kết, kết quả thực hành trách nhiệm nêu gương chính là tấm gương phản chiếu rõ nét nhất để cấp dưới và Nhân dân dễ nhận thấy, học tập và noi theo.
Thứ ba, cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu cần tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; đồng thời, khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, sáng tạo, hết lòng, hết sức vì Nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ các cấp…
Thứ tư, một trong những giải pháp căn bản để cán bộ, đảng viên trong tỉnh phát huy phẩm chất “6 dám” đó là các cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, khóa XIII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, để xây dựng tổ chức đảng vững mạnh, đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Thứ năm, đẩy mạnh việc học tập, làm theo và nêu gương của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiệu quả, thực chất. Trọng tâm là thực hiện nghiêm Nghị quyết số 12 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Quy định số 368 ngày 25/2/2022 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh học tập, làm theo và nêu gương của cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh. Trong đó, việc thực hiện nghiêm trách nhiệm nêu gương theo cam kết là điều kiện cần có để mỗi cán bộ, đảng viên phát huy phẩm chất “6 dám” trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao.
Việc thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương chính là tiền đề, cơ sở quan trọng để mỗi cán bộ, đảng viên trong tỉnh phát huy tốt tinh thần đổi mới sáng tạo, dám vượt qua những rào cản của bản thân và cơ chế để phát huy phẩm chất “6 dám”. Tuy nhiên, để phát huy được phẩm chất “6 dám”, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, không ngừng nâng cao kiến thức, năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Dương Ðức Huy
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy