Theo nhiều bậc cao niên trong các vùng đồng bào Tày, lễ rằm tháng 7 là ngày lễ quan trọng, chỉ sau Tết Nguyên đán hằng năm. Vì vậy, dù có bận rộn công việc, lo toan cho cuộc sống thì người Tày vẫn giữ nếp xưa do các cụ truyền lại, chuẩn bị đầy đủ lễ vật dâng cúng tổ tiên trong dịp rằm tháng 7; trong đó, không thể thiếu là các loại bánh truyền thống làm từ gạo nếp, gồm bánh rợm, bánh gai và bánh chuối.
Dịp rằm tháng 7, các gia đình người Tày đều làm bánh dâng lên tổ tiên. |
Theo lời giới thiệu, chúng tôi đến thôn Cắp Kẹ, xã Thống Nhất (thành phố Lào Cai) dịp rằm tháng 7. Những ngày này, nhà nhà vang tiếng chày giã bánh. Trước lễ nhiều ngày, các cô con gái, con dâu trong các gia đình người Tày đã chuẩn bị nguyên liệu cần thiết để gói bánh.
Mọi năm, từ ngày 10 đến 15 tháng 7 âm lịch, các chị em trong dòng họ thường tập trung làm bánh. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, để đảm bảo tuân thủ các quy định phòng, chống dịch, các chị em không tụ tập đông người, nhà ai ở nhà đó gói bánh để lưu giữ nét văn hóa truyền thống. Bà Hoàng Thị Lịch, thôn Cắp Kẹ chia sẻ với chúng tôi: Phong tục gói bánh dâng cúng tổ tiên của người Tày đã có từ rất lâu đời. Theo lời kể của các cụ xưa thì bánh phải được chính bàn tay con cháu trong gia đình làm ra dâng lễ thì mới tỏ được lòng thành kính. Vậy nên, dù có bận rộn đến đâu, các hộ trong làng cũng vẫn giữ nét đẹp truyền thống.
Ngoài gạo nếp, đỗ xanh là nguyên liệu chính, được chọn kỹ càng, sàng sảy cẩn thận để lựa cho được những hạt đỗ, hạt gạo tròn đều, bóng, thì không thể thiếu lá chuối dùng để gói bánh. Muốn bánh thơm, bánh đẹp, phụ nữ Tày thường chọn tàu lá chuối xanh (thường là lá cây chuối hột), ít bị rách, dọc lá rồi đem phơi nắng, lau sạch sẽ, xếp gọn gàng chờ ngày gói bánh. Lá gai, quả chuối sấy khô cũng được các bà, các mẹ kỳ công chuẩn bị, sơ chế từ những ngày trước để khi làm bánh sẽ có được nguyên liệu tốt nhất, cho ra thành phẩm là những chiếc bánh thơm, ngon, mềm, dẻo.
Cũng giống như những cộng đồng người Tày khác, những ngày này, ở mỗi nếp nhà sàn của người Tày Văn Bàn đều đang sửa soạn đồ làm bánh. Khi các nguyên liệu đã được chuẩn bị đầy đủ, phụ nữ Tày khéo léo nặn, gói bánh cho đều, đẹp. Với thành phần chính là bột gạo nếp, tùy sự pha chế khác nhau như trộn lá gai hoặc quả chuối sấy sẽ cho những mùi, vị khác nhau. Nhân bánh cũng được biến tấu, nêm nếm các loại gia vị cần thiết tùy theo khẩu vị từng gia đình, thường là nhân đỗ ngọt, nhân đỗ mặn hay nhân lạc. Những chiếc bánh tròn xinh, được gói cẩn thận bằng lá chuối theo cặp. Bánh gói xong được đưa lên bếp hấp chín. Chẳng mấy chốc, bánh chín, hương thơm tỏa ra khắp chốn. Những chiếc bánh vẫn còn nóng hổi được bày lên mâm để dâng cúng tổ tiên, tỏ lòng thành kính và cầu mong sức khỏe, bình an. Không chỉ làm bánh đủ để gia đình sử dụng, người Tày thường làm dư để làm quà tặng, quà biếu người thân, bè bạn. Cũng vì thế, phụ nữ Tày dịp này thường thức khuya, dậy sớm hơn để chuẩn bị nguyên liệu gói bánh và làm quà cho gia đình.
Nhịp sống hiện đại, cuộc sống ngày càng phát triển đi lên, nhưng người Tày luôn nhắc nhở cháu con phải giữ nếp nhà, giữ hồn dân tộc, vậy nên những bé gái lên 10 đã được bà, được mẹ dạy cách lựa nguyên liệu, cách gói bánh sao cho ngon nhất. Cụ Hoàng Thị Hoa, người dân tộc Tày ở xã Làng Giàng (Văn Bàn) năm nay gần 90 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, nhanh nhẹn lắm. Cụ thường dặn dò con, cháu: Dù có mâm cao, cỗ đầy, nhiều sản vật quý hiếm đến đâu, mà thiếu bánh rợm, bánh gai, bánh chuối để dâng cúng thì lễ cũng chưa vẹn tròn lòng thành kính của gia chủ đối với tổ tiên. Do đó, dù thế nào cũng phải tự tay chuẩn bị món ăn truyền thống này để dâng lễ”.
Cùng giữ nét xưa, những chiếc bánh rợm, bánh chuối, bánh gai giản dị, nhỏ xinh, thơm phức, ngọt bùi được lựa chọn dâng cúng chính là tấm lòng, là tình cảm của người Tày đối với gia tiên dịp lễ trọng.
Gạo để làm bột bánh được lựa chọn từ thứ gạo nếp dẻo thơm nhất vùng. |
Nhân bánh làm bằng đậu xanh, lạc được đồ lên. |
Lá bánh được chọn từ lá chuối, phơi tạo độ dai. |
Với loại bánh chuối làm từ bột gạo nếp, sau khi trộn chuối sấy khô với bột, người làm phải mang ra giã tạo độ keo. |
Vo tròn bánh từ nhân và bột nếp, cuộn trong lá chuối… |
… rồi đem hấp trong những chiếc nồi lớn, đượm hơi. |
Thành phẩm thơm ngon được cả nhà trông đợi. |
Chọn những chiếc bánh dền, ngon nhất, phụ nữ Tày dâng cúng tổ tiên tại nhà hoặc mang ra đình làng vào những ngày lễ quan trọng để dâng lên trời đất |
*Thịt vịt trong rằm tháng 7 của người Tày Nghĩa Đô, Vĩnh Yên (Bảo Yên)
Từ sau ngày Tết Đoan ngọ (5/5 âm lịch), người Tày ở vùng Nghĩa Đô, Vĩnh Yên (Bảo Yên) thường chọn ra những con vịt bầu phát triển tốt nhất để tách đàn và bắt đầu vỗ béo để chuẩn bị cho ngày rằm tháng 7. Và cũng chỉ có người Tày nơi đây mới sử dụng thịt vịt làm mâm cỗ để cúng, dâng lên ông bà, tổ tiên.
Thịt vịt là món ăn không thể thiếu trong ngày rằm tháng 7 của người Tày Nghĩa Đô, Vĩnh Yên. |
Vào ngày rằm tháng 7, các gia đình người Tày nơi đây thường dậy sớm từ khi mặt trời chưa mọc, nhóm bếp lửa đun sôi nồi nước, bắt hai con vịt bầu (cả con đực và cái) bắt đầu sơ chế để chuẩn bị làm cỗ cho lễ cúng rằm tháng 7 vào buổi trưa. Mâm cỗ cúng tổ tiên cũng rất đơn giản, không cầu kỳ, tùy thuộc vào điều kiện của các gia đình, ngoài thịt vịt luộc có thể kèm theo thịt vịt lam ống nữa, tiết canh vịt, thịt gà trống thiến hay thịt lợn, cá nướng, bánh chuối…
Mâm cỗ dâng lên tổ tiên. |
Mâm cỗ cúng tổ tiên được bày trên mâm lót bằng lá chuối. Vì thịt vịt bầu là món chủ đạo nên được người Tày trịnh trọng đặt vào trung tâm của mâm cỗ, xung quanh bày kèm theo các món phụ sao cho mâm cỗ cúng ngày rằm tháng 7 phải đầy đủ nhất, thể hiện sự sung túc, kính trọng dâng lên ông bà, tổ tiên.
Theo quan niệm của người Tày vùng Nghĩa Đô, Vĩnh Yên, do không có phong tục cúng tổ tiên vào Tết Đoan ngọ và các ngày mùng 1 và 15 hằng tháng, nên ngoài ngày Tết Nguyên đán, rằm tháng Giêng thì rằm tháng 7 là dịp trong năm để người Tày thắp nhang, dâng cỗ lên tổ tiên để cầu mong mưa thuận, gió hòa cho mùa màng bội thu, gia đình ấm no, hạnh phúc.
Ngoài Tết Nguyên đán, rằm tháng Giêng thi rằm tháng 7 là ngày quan trọng nhất của người Tày Nghĩa Đô, Vĩnh Yên |
Ông Lý Văn Nội, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô cho biết, để duy trì và phát huy giá trị truyền thống, tiến tới quảng bá hình ảnh du lịch cộng động. Hiện, chính quyền địa phương đang khuyến khích Nhân dân tham gia chương trình cải tạo và khôi phục đàn vịt bầu, từng bước xây dựng thương thiệu cho sản phẩm vịt bầu Nghĩa Đô.