Từ nguồn tín dụng chính sách, nhiều hộ dân có vốn đầu tư phát triển kinh tế.
Cách đây 5 năm, gia đình chị Phạm Thị Thắm (thôn Tiến Lợi, xã Xuân Giao) đã vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Bảo Thắng để đầu tư nuôi gà công nghiệp. Vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm và chăn nuôi hiệu quả, chị Thắm trả dần nợ vay cũ và mạnh dạn vay thêm 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để mở rộng chuồng trại nuôi gà, lợn kết hợp trồng cây ăn quả. Trong 2 năm (2018 – 2019), mỗi năm chị nuôi hơn 20 nghìn con gà, 10 con lợn nái sinh sản để chủ động nguồn giống. Hiện mỗi năm, gia đình chị Thắm duy trì nuôi 3 lứa gà thịt (mỗi lứa 8 – 10 nghìn con), 10 con lợn nái và 100 con lợn thịt. Ngoài chăn nuôi, chị trồng thêm 1,5 ha cây ăn quả (thanh long, bưởi, mít). Hằng năm trừ chi phí, gia đình có lãi ổn định hơn 500 triệu đồng.
Vươn lên thoát nghèo nhờ vốn vay tín dụng chính sách, năm 2012, gia đình chị Nguyễn Thị Dư (thôn Chính Tiến, xã Gia Phú) đã vay 30 triệu đồng vốn vay dành cho hộ nghèo của Ngân hàng CSXH huyện Bảo Thắng mua cặp bò sinh sản về nuôi. Vừa học cách nuôi dưỡng, chăm sóc bò vừa trồng thêm cỏ voi, mỗi năm gia đình chị có thêm 2 con bê. Những con bê này được chị bán và tiền bán được đầu tư trở lại vào chăn nuôi bò. Đến năm 2015, chị Dư trả hết nợ ngân hàng. Với 2 cặp bò sinh sản, chị mạnh dạn vay thêm 50 triệu đồng từ vốn vay hộ cận nghèo để đầu tư trang trại chăn nuôi gà, ngan và trồng rừng. Đến nay, gia đình chị Dư có 1,8 ha quế, 5 con bò, hàng nghìn con gà… Mỗi năm gia đình chị có thu nhập khoảng 250 triệu đồng.
Từ những tấm gương vươn lên làm kinh tế trên địa bàn huyện đã góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập và các tiêu chí khác trong xây dựng nông thôn mới. Điều này khẳng định vai trò quan trọng của nguồn vốn vay tín dụng chính sách. Ngân hàng CSXH huyện Bảo Thắng đã ưu tiên dành nguồn lực cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn có cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập, giải quyết những khó khăn về nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường…
Bà Hoàng Thị Thu Lý, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bảo Thắng cho biết: Với vai trò, trách nhiệm là thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện, Ngân hàng CSXH huyện thường xuyên bám sát chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của cấp trên và các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của huyện, chủ động tham mưu và tích cực chỉ đạo các hoạt động tín dụng chính sách xã hội theo hướng tập trung ưu tiên tại các xã xây dựng nông thôn mới.
Trong giai đoạn 2015 – 2020, huyện Bảo Thắng có 3.867 lượt hộ nghèo, 2.909 lượt hộ cận nghèo, 705 hộ mới thoát nghèo và 10.391 đối tượng chính sách khác được vay vốn với số tiền hơn 620 tỷ đồng, góp phần giúp 6.001 hộ thoát nghèo, 1.253 hộ thoát cận nghèo. Có 4.719 hộ được tiếp cận nguồn vốn vay với số tiền hơn 50 tỷ đồng để xây dựng, cải tạo công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và số hộ có công trình hợp vệ sinh; hơn 500 lao động được vay vốn từ Quỹ giải quyết việc làm với số tiền hơn 20 tỷ đồng…
Những kết quả trong công tác đưa tín dụng chính sách của Chính phủ đến với hộ nghèo và gia đình chính sách của Ngân hàng CSXH huyện Bảo Thắng đã đóng góp một phần không nhỏ trong việc thực hiện tiêu chí về thu nhập và hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới. Năm 2019, thu nhập bình quân của huyện đạt 41,5 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo còn 6,95%.
Những điều trên khẳng định trong những năm qua, Ngân hàng CSXH đã chuyển tải nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đến các hộ nghèo và đối tượng chính sách gắn liền với sự nghiệp giảm nghèo và nhiệm vụ xây dựng nông nghiệp, nông thôn mới của Đảng và Nhà nước; góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc huyện Bảo Thắng phấn đấu đạt mục tiêu đến cuối năm 2020 trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh.