Cây sâm Ngọc Linh được nhân giống thành công tại thị xã Sa Pa.
Năm 2019, Vườn Quốc gia Hoàng Liên được tỉnh đầu tư thực hiện mô hình “Trồng thí điểm cây sâm Ngọc Linh” với 300 cây sâm giống gốc. Sau gần 3 năm triển khai trồng và chăm sóc, đến nay Vườn đã nghiên cứu, thực hiện nhân giống được hơn 2.000 cây bằng phương pháp lấy hạt của cây gốc để gieo trồng.
Theo đánh giá ban đầu, cây sâm Ngọc Linh phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và sinh trưởng, phát triển tốt trên địa bàn thị xã Sa Pa. Đây là điều kiện để Vườn Quốc gia Hoàng Liên có thể chuyển giao kỹ thuật trồng sâm Ngọc Linh cho người dân địa phương, nhằm thay thế các loại cây nông nghiệp kém hiệu quả; đặc biệt là sẽ hướng tới việc trồng thay thế, giảm dần diện tích cây thảo quả dưới tán rừng tự nhiên, góp phần bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học trong rừng đặc dụng thuộc khu vực Vườn Quốc gia.
Cây sâm Ngọc Linh giống gần 4 năm tuổi tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên. |
Quả sâm Ngọc Linh để nhân giống. |
Với mô hình nhân giống hiện nay, dự kiến từ năm 2023 trở đi Vườn Quốc gia Hoàng Liên sẽ nhân giống được khoảng 2.500 cây sâm Ngọc Linh mỗi năm để cung cấp cho nhân dân trồng.
Sâm Ngọc Linh là loài dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao (thuộc Phụ lục I, nhóm IA theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP, ngày 22/9/2021 của Chính phủ). Tại Lào Cai, loài này chưa được trồng với quy mô lớn do việc tiếp cận nguồn giống chuẩn rất khó khăn và chưa có những khảo nghiệm đánh giá mức độ phù hợp của sâm Ngọc Linh trong điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Do vậy, việc trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên sẽ giúp đánh giá, tiến tới cung cấp giống để nhân rộng trong thời gian tới.