Mùa vàng Sàng Ma Sáo.
Trước đây, khi nhắc đến du lịch Lào Cai, du khách trong và ngoài nước thường nghĩ ngay đến Sa Pa, Bắc Hà. Tuy nhiên, những năm gần đây, trên bản đồ du lịch Lào Cai có thêm một địa danh mới đáng chú ý là huyện Bát Xát. Bát Xát sở hữu hàng loạt danh lam, thắng cảnh và bản sắc văn hóa truyền thống như ruộng bậc thang Thề Pả, đỉnh Lảo Thẩn, đỉnh Ky Quan San, đỉnh Pu Ta Leng, chợ phiên Y Tý, chợ phiên Mường Hum, cột cờ Lũng Pô, đường đá cổ Pavi, thác Ong Chúa, thác Rồng, lễ hội xuống đồng, lễ hội Pút tồng, lễ hội Khô Già Già… Nhiều người cho rằng nơi đây có tiềm năng phát triển du lịch không kém bất kỳ địa phương nào trong tỉnh, thậm chí cả khu vực Tây Bắc.
Để đánh thức tiềm năng du lịch Bát Xát không phải là chuyện “một sớm, một chiều”, cần rất nhiều giải pháp cụ thể, khoa học. Những năm qua, ngoài việc nâng cấp hạ tầng giao thông, đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú chất lượng, tôn tạo và sửa chữa những điểm du lịch, hỗ trợ người dân làm du lịch… huyện đặc biệt quan tâm đến tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Anh Nguyễn Minh Tài, một du khách đến từ thành phố Hà Nội đã chia sẻ với tôi trong một lần cùng leo núi Ky Quan San rằng: “Giờ đây muốn biết về du lịch Bát Xát chỉ cần lên các trang mạng xã hội tìm kiếm là đủ thông tin các điểm hấp dẫn. Có thể nói, công tác quảng bá hình ảnh du lịch Bát Xát với bạn bè trong và ngoài nước đã được địa phương làm rất tốt!”.
Không chỉ anh Tài mà nhiều du khách khi đến Bát Xát cùng có chung suy nghĩ về công tác quảng bá du lịch Bát Xát. Để làm được điều đó, Bát Xát đã thường xuyên tổ chức các hoạt động lễ hội, các tour leo núi, săn mây, ngắm ruộng bậc thang… Những hoạt động này đã thu hút lượng lớn du khách tham gia và sau mỗi lần tổ chức lại tạo ra sức lan tỏa lớn hơn trên mạng xã hội.
Để quảng bá hình ảnh du lịch Bát Xát một cách bài bản, chuyên nghiệp, huyện Bát Xát đã liên kết với các cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương, như Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Lào Cai, Đài Phát thanh – Truyền hình Lào Cai thực hiện nhiều chương trình truyền hình, phóng sự, phim tài liệu về thiên nhiên và bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc. Mạng xã hội cũng được huyện Bát Xát khai thác hiệu quả. Các fanpage như Du lịch Bát Xát, Du lịch Y Tý, Du lịch Lào Cai… liên tục cập nhật những nội dung liên quan đến du lịch trên địa bàn, thu hút nhiều người theo dõi và tương tác.
Nhận thấy các hoạt động thể thao kết hợp du lịch đang phát triển mạnh, huyện Bát Xát đã đẩy mạnh quảng bá du lịch qua các Giải đua xe đạp leo núi quốc tế Cúp Ô Quý Hồ, Giải đua xe đạp leo núi quốc tế Cúp 25 năm tái lập tỉnh Lào Cai, Giải đua xe đạp “Một đường đua, hai quốc gia”, Giải đua xe đạp “Đi giữa mùa hoa đỗ quyên – Y Tý” và trình diễn bay dù lượn “Bay giữa đại ngàn”… Bên cạnh đó, huyện quảng bá du lịch thông qua các hoạt động văn hóa, như tổ chức thành công triển lãm 25 năm xây dựng trung tâm hành chính mới, triển lãm 25 năm tái lập tỉnh Lào Cai, tham gia ngày hội “Hương sắc vùng cao tại Hà Nội”, phối hợp với ngành văn hóa du lịch các tỉnh gửi các sản phẩm và ấn phẩm du lịch Bát Xát tham gia các hội chợ và triển lãm, in ấn và phát hành hơn 4.500 tập catalog về du lịch Bát Xát…
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, giai đoạn 2016 – 2020, huyện Bát Xát đã đón 115.000 lượt du khách (trong đó có 2.850 khách nước ngoài), tổng doanh thu đạt hơn 67,5 tỷ đồng. Lượng khách tăng trung bình đạt 25%/năm, doanh thu trung bình tăng 28%/năm.
Ông Phạm Văn Tâm, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bát Xát cho biết: Trong thời gian tới, phòng tiếp tục tham mưu cho huyện tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông để quảng bá hình ảnh đất và người Bát Xát tới bạn bè trong nước, quốc tế. Có như vậy mới đánh thức được tiềm năng, thế mạnh về danh lam, thắng cảnh, bản sắc văn hóa của địa phương, góp phần vào sự phát triển chung của huyện Bát Xát và của tỉnh.