Ngay từ mùng 6 Tết, tại các nương đồi ở xã Cốc Ly (huyện Bắc Hà), người dân đã tích cực trồng rừng. Trên mảnh đồi của gia đình, bà Giảng Thị Tung (thôn Cốc Sâm) đang cùng các thành viên trong gia đình nhanh tay vun đất vào các gốc quế. Bà Tung cho biết: Nhận thấy tiềm năng kinh tế của cây quế, gia đình chuyển toàn bộ diện tích đồi trồng ngô sang trồng quế. Năm vừa qua, sau khi thu hoạch ngô, gia đình đã xử lý thực bì, đào hố, chuẩn bị cây giống. Nghỉ tết Nguyên đán xong liền huy động nhân lực trồng gần 2 ha rừng vụ xuân. Dự kiến khoảng 10 ngày sau sẽ trồng xong toàn bộ diện tích.
Nhiều năm qua, trồng rừng kinh tế ở xã Cốc Ly phát triển mạnh, trong đó chủ yếu là trồng quế. Hiện xã có hơn 1.200 ha quế. Cây quế đã giúp nhiều gia đình cải thiện cuộc sống, nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Xã đang khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn để tăng giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.
Ông Bồng Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Cốc Ly cho biết: Xác định trồng rừng là một trong những thế mạnh kinh tế của địa phương nên ngay từ đầu năm, xã đã tuyên truyền các hộ chuẩn bị tốt cây giống, đất, ngay khi thời tiết thuận lợi sẽ tiến hành trồng. Năm nay, xã có kế hoạch trồng hơn 68 ha rừng. Trong tết Nguyên đán, người dân đã xử lý thực bì, đào hố xong và hiện trồng được 20 ha rừng vụ xuân.
Trong những năm qua, phong trào trồng rừng tại huyện Bắc Hà được người dân tích cực hưởng ứng. Năm 2022, huyện trồng mới 1.300 ha rừng, vượt 300 ha so với kế hoạch. Nhiều hộ có thu nhập lớn từ rừng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Cán bộ kiểm lâm xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng. |
Bà Chu Thị Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà cho biết: Năm nay, huyện có kế hoạch trồng mới 600 ha rừng. Ngay từ đầu năm, huyện yêu cầu mỗi xã, thị trấn lựa chọn địa điểm cụ thể, tổ chức ra quân trồng cây, trồng rừng làm nhiều đợt phù hợp với thời vụ trồng từng loại cây. Cây giống đem trồng phải có chất lượng tốt, chú trọng chăm sóc cây xanh, rừng trồng đạt tỷ lệ sống hơn 90%. Riêng trong vụ xuân, huyện triển khai trồng khoảng 60% diện tích và phấn đấu cả năm vượt 10 – 15% kế hoạch giao.
Những ngày này, tại huyện Bát Xát, người dân cũng tích cực trồng rừng vụ xuân. Ông Bùi Quốc Túy, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: Năm 2023, kế hoạch tỉnh giao hơn 800 ha rừng sản xuất nhưng địa phương phấn đấu trồng 1.000 ha. Hiện các xã Quang Kim, Phìn Ngan, Bản Qua, Bản Vược, Nậm Chạc… đã triển khai trồng rừng vụ xuân. Những năm gần đây, trồng rừng sản xuất tại huyện Bát Xát phát triển mạnh bởi nhiều hộ có thu nhập cao từ cây quế, các hộ khác cũng chủ động chuyển diện tích đất nương đồi trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng rừng.
Theo kế hoạch năm 2023, toàn tỉnh trồng mới hơn 3.000 ha rừng sản xuất, hơn 2.000 ha rừng sau khai thác và hơn 2 triệu cây phân tán. Trên địa bàn tỉnh, các đơn vị, cơ sở sản xuất và người dân đã chuẩn bị được hơn 40 triệu cây giống các loại để trồng rừng vụ xuân. Bên cạnh đó, ngành chức năng tăng cường công tác quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp, lựa chọn loại cây trồng phù hợp, chuẩn bị cây giống chất lượng tốt, tranh thủ thời vụ và thời tiết thuận lợi để trồng rừng đảm bảo đạt tỷ lệ cây sống cao. Các địa phương phân công từng cán bộ phụ trách cơ sở tăng cường giám sát công tác trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Hồng Điệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Các điều kiện cho vụ trồng rừng mới đã sẵn sàng. Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện, thành phố, thị xã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương rà soát những diện tích đất trống, diện tích rừng đến tuổi thu hoạch để đôn đốc chủ rừng đẩy nhanh tiến độ khai thác; khuyến cáo người dân khai thác đến đâu thì tiến hành trồng rừng lại ngay đến đó, không để đất trống nhằm bảo đảm kế hoạch trồng rừng của năm.
Hiện nay, các địa phương đang tích cực trồng rừng vụ xuân, phấn đấu đến cuối tháng 3 trồng đạt 60% diện tích theo kế hoạch năm.