Tấm lòng của nữ doanh nhân
Từ suy nghĩ học Bác bằng những việc làm bình dị, những năm qua, nữ giám đốc Doanh nghiệp Mộc Nguyên Nguyễn Phương Lan, phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai đã dành hơn 2,7 tỷ đồng ủng hộ các hoạt động từ thiện, giúp đỡ gia đình khó khăn, tàn tật, ảnh hưởng thiên tai, xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu, bà đã giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng bão lũ tại huyện Bát Xát và phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai với số tiền 120 triệu đồng; đặc biệt, đối với phường Bắc Cường – nơi bà Lan sinh sống, bà đã ủng hộ học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập 100 triệu đồng, hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo 50 triệu đồng, ủng hộ xây dựng tiểu công viên Phú Thịnh, Nguyễn Thăng Bình hơn 1,8 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Phương Lan, phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai. |
Cuối năm 2020, thực hiện Chỉ thị 03 của Thành ủy Lào Cai và Nghị quyết số 11 của Đảng ủy phường Bắc Cường về xây dựng đô thị sáng – xanh – sạch – đẹp, bà Lan đã tự lên ý tưởng thiết kế kiểu dáng và ủng hộ trên 100 triệu đồng làm tuyến đường điện trang trí tuyến phố Kim Sơn. Ngoài ra, bà Lan còn tích cực ủng hộ các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao trên địa bàn bằng việc tham gia thành lập và làm chủ nhiệm 2 câu lạc bộ văn nghệ – khiêu vũ thu hút đông đảo người dân đến tham gia sinh hoạt. “Với tôi, thành công không chỉ trong làm kinh tế mà bản thân cảm thấy tâm đắc, hạnh phúc khi làm những việc thiện nguyện để góp phần mang lại niềm vui, tiếp thêm nghị lực cho nhiều người kém may mắn. Từ suy nghĩ trên đã thôi thúc tôi luôn quan tâm có nhiều việc làm ý nghĩa hơn nữa vì cộng đồng, đúng như lời dạy của Bác Hồ về tinh thần tương thân, tương ái”, bà Lan trải lòng.
Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ
Đại úy Lèng Văn Trai, Chính trị viên phó, Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng Si Ma Cai cho biết: Để việc học và làm theo Bác trở thành việc làm nền nếp, thường xuyên, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của mỗi đoàn viên, thanh niên, Chi đoàn Đồn Biên phòng Si Ma Cai thường xuyên tổ chức quán triệt cho đoàn viên, thanh niên thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên và tổ chức cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong đơn vị đăng ký học tập và làm theo Bác gắn với nhiệm vụ cụ thể.
Đại úy Lèng Văn Trai, Chính trị viên phó, Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng Si Ma Cai. |
Hưởng ứng Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ” gắn với phong trào “Tuổi trẻ Bộ đội Biên phòng Lào Cai tiếp bước cha anh, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”, từ năm 2016 đến nay, Chi đoàn đã làm tốt công tác tham mưu cho Đảng ủy, Chỉ huy đơn vị triển khai sâu rộng trong đoàn viên, thanh niên và vận động các đơn vị đỡ đầu, kết nghĩa, các đoàn thiện nguyện xây dựng 10 ngôi nhà tình thương cho 10 hộ gia đình đặc biệt khó khăn trên địa bàn biên giới với tổng trị giá 300 triệu đồng. Chi đoàn trực tiếp nhận nuôi dưỡng, dạy học 2 cháu mồ côi tại đơn vị và hỗ trợ 2 cháu khác có hoàn cảnh khó khăn, có nhiều cố gắng vươn lên trong học tập với định mức 500.000 đồng/cháu/tháng.
Bên cạnh đó, chi đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách; triển khai thực hiện hiệu quả mô hình học tập và làm theo Bác như: Chương trình “Xuân biên phòng – ấm lòng dân bản”, “Tủ quần áo tình thương”, “Tay kéo biên phòng”… đã cấp phát hơn 5.600 bộ quần áo, gần 300 đôi giày, dép các loại hỗ trợ người dân khu vực biên giới. Trong chương trình “Thắp sáng vùng biên”, Chi đoàn đã trực tiếp vận động và xây lắp 3,5 km đường dây điện, 96 bóng điện năng lượng mặt trời/20 km đường giao thông; phối hợp với các tổ chức đoàn địa phương thực hiện mô hình “Hàng cây biên giới”, trồng 5.000 cây dọc đường tuần tra; tham gia nhiều ngày công, hỗ trợ kinh phí trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Cùng với tham gia thực hiện các hoạt động ý nghĩa vì cộng đồng, đoàn viên, thanh niên của Chi đoàn đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc.
Người “giữ hồn” dân tộc
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, giữ gìn thuần phong mỹ tục gắn với bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thồng của dân tộc là để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, bắt đầu từ năm 1992, ông Tẩn Vần Siệu, thôn Tả Chải, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa bắt đầu mở lớp truyền dạy chữ Nôm Dao cho các cháu nhỏ tại địa phương. Trước đó, ông Siệu đã viết các giáo trình, chép tài liệu để dạy chữ Nôm Dao và dịch sang tiếng phổ thông phục vụ hoạt động nghiên cứu…
Trước năm 2015, ông Siệu đã mở lớp truyền dạy chữ Nôm Dao tại gia đình cho 452 học trò tuổi từ 6 đến 35. Với những đóng góp của mình, năm 2015 ông Siệu được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Ý thức được trách nhiệm của mình, ông Siệu đã tích cực vận động người dân cho con em theo học chữ và tìm hiểu về phong tục, tập quán, đạo đức làm người. Cứ như vậy, từ năm 2016 đến tháng 6/2020, ông đã mở được 7 lớp học, mỗi lớp có từ 25 đến 65 học trò.
Ông Tẩn Vần Siệu, thôn Tả Chải, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa. |
“Tôi sợ một ngày nào đó không còn ai dạy và học chữ Nôm Dao, nên tôi đã quyết tâm mang những kiến thức mình đã học được truyền dạy cho thế hệ con cháu, để mọi người cùng có trách nhiệm giừ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình”, ông Siệu trăn trở.
Đảng viên đi trước
Theo đảng viên Sần Hờ Lù, Bí thư Chi bộ thôn Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát, việc học tập và làm theo Bác là bản thân phải gương mẫu, nói được, làm được, đi đầu trong phát triển kinh tế của gia đình, có như vậy mới tuyên truyền, vận động được người dân làm theo. Từ suy nghĩ đó, năm 2014, gia đình đảng viên Lù đã mạnh dạn phát triển một số loại cây trồng mới như lê tai nung, đương quy, hoàng sin cô và xây dựng mô hình nuôi trâu, nuôi lợn đen bản địa. Nhờ chăm chỉ lao động, tích cực học hỏi làm chủ kỹ thuật trồng, chăm sóc nên mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ngày càng phát triển, bình quân hằng năm mang lại nguồn thu nhập khoảng 100 triệu đồng.
Chưa dừng ở đó, khi thôn Choản Thèn được chọn làm mô hình xây dựng điểm du lịch cộng đồng, gia đình Bí thư Chi bộ Sần Hờ Lù đã tiên phong đăng ký thực hiện. Anh Lù cùng một số đảng viên trong thôn tận dụng mạng xã hội như zalo, facebook để tuyên truyền, quảng bá cho du lịch địa phương bằng việc đăng tải các bức ảnh phong cảnh đẹp, món ăn, bản sắc văn hóa của người Hà Nhì… Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng năm 2020, thu nhập từ hoạt động du lịch của gia đình anh Lù cũng đạt gần 100 triệu đồng.
Bí thư Chi bộ thôn Choản Thèn Sần Hờ Lù. |
Từ sự tiên phong trong phát triển kinh tế của Bí thư Chi bộ Sần Hờ Lù và nhiều đảng viên là minh chứng thuyết phục nhất để người dân trong thôn tin tưởng, làm theo. Nên khi chi bộ triển khai đưa cây trồng mới vào được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình. Đến nay, thôn Choản Thèn đã trồng được 16,5 ha cây xuyên khung, đương quy, hoàng sin cô; hơn 6 ha cây lê tai nung và nhiều hộ gia đình phát triển du lịch homestay… Tích cực lao động, kinh tế ngày một khấm khá, hiện toàn thôn chỉ còn 5 hộ nghèo, chiếm 8,3%; thu nhập bình quân của người dân thôn Choản Thèn cao nhất xã Y Tý, đạt 35 triệu đồng/năm, tăng 16 triệu đồng so với năm 2015.