Một tiết ôn luyện tiếng Anh của cô và trò lớp 12A5 trường PTTH số 1 thị xã Sa Pa
Để lựa chọn mục tiêu thực hiện phù hợp với đặc điểm địa phương trong đổi mới giáo dục – đào tạo theo Đề án 06 của Tỉnh ủy Lào Cai, huyện Bát Xát đã tập trung chỉ đạo, từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đối với từng bậc học. Cụ thể, 100% trường mầm non trên địa bàn trẻ được học 2 buổi/ngày. Nhân rộng các mô hình, như: “Trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, “Trường mầm non xanh, sạch, đẹp, thân thiện”; “Tăng cường Tiếng việt cho trẻ em mầm non vùng dân tộc thiểu số”,… Ở cấp Tiểu học, Trung học cơ sở, Bát Xát coi trọng xây dựng mô hình trường học gắn với thực tiễn; thực hiện phương châm dạy học theo hướng tinh giản, chắt lọc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa nhằm giảm tải cho học sinh. Đối với giáo dục phổ thông, tập trung chỉ đạo dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình; điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp với vùng miền. Đồng thời tăng cường dạy ngoại ngữ (Tiếng Anh) cho học sinh vùng thuận lợi.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở A Mú Sung, huyện Bát Xát hiện có 543 học sinh, gần 100% là người dân tộc thiểu số. Để nâng cao chất lượng dạy và học, trường chú trọng đến việc đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng đội ngũ và phân loại học sinh để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp. Thầy giáo Vi Hoài Thanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đối với giáo viên, chúng tôi xác định những khó khăn về kiến thức chuyên môn, năng lực, kỹ năng sư phạm để bồi dưỡng. Đối với học sinh thì khảo sát, phân loại học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng phân công cho giáo viên bồi dưỡng. Do đặc thù đa số học sinh bán trú ở lại trường nên chúng tôi phân công giáo viên bồi dưỡng tập trung các môn toán, văn, tiếng anh trên tinh thần tự nguyện”.
Khác với Bát Xát, đối với Thành phố Lào Cai, dạy và học ngoại ngữ được xác định là khâu đột phá, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn. Một trong những nỗ lực của thành phố là xây dựng, tạo môi trường giao tiếp bằng tiếng Anh cho học sinh trong tất cả các trường. Thành phố cũng là địa phương đi đầu trong việc triển khai dạy học tích hợp tiếng Anh ở hầu hết các môn học; dần chuyển tiếng Anh thành ngôn ngữ thông dụng. Bà Trần Thị Thùy Dung – Phó Trưởng phòng Giáo dục đào tạo Thành phố Lào Cai, cho biết: “Chúng tôi đã bám sát các mục tiêu của đề án để xây dựng các kế hoạch của ngành, chỉ đạo tới các đơn vị nhà trường. Cái nét mới nhất đến thời điểm này đó là học sinh từ Mầm non đến Trung học cơ sở của thành phố đều được học ngoại ngữ và cái này chúng tôi cũng coi là thế mạnh của ngành, nó tạo ra nét đột phá để khẳng định rằng giáo dục thành phố Lào Cai đã ngang bằng với các tỉnh, thành phát triển”.
Với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo theo tinh thần Đề án 06 của Tỉnh ủy Lào Cai, tỉnh chỉ đạo ngành Giáo dục đào tạo phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, tiếp tục sắp xếp, kiện toàn lại mạng lưới trường lớp học đảm bảo phù hợp. Dự kiến đến hết năm 2020, toàn tỉnh sáp nhập 135 trường thành 65 trường, đạt 100% mục tiêu đề án. Thực hiện đưa trên 14.000 học sinh ở điểm trường lẻ về trường chính, đạt 172% mục tiêu. Tỉnh cũng duy trì phổ cập giáo dục tại tất cả các xã, phường, thị trấn. 7 huyện và thị xã Sa Pa đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 (tăng 3 huyện); 31 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3 (tăng 7 xã). Loại hình trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú phát triển mạnh và ngày càng hoàn thiện, trở thành hệ thống trụ cột của giáo dục vùng cao, vùng dân tộc thiểu số. Về chuyên môn, nhiều mô hình giáo dục hiệu quả như trường học gắn với thực tiễn, thực hiện phương châm học đi đôi với hành, tăng cường hoạt động thực hành, trải nghiệm, giáo dục kĩ năng sống,… đã góp phần quan trọng trong đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn. Ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai cho biết: “Chúng tôi đã rà soát, bố trí, sắp xếp, phân công lại đội ngũ giáo viên trong toàn ngành, đào tạo, bồi dưỡng và bồi dưỡng lại để đáp ứng yêu cầu chuyên môn và nghiệp vụ. Về cơ sở vật chất, tiến hành rà soát toàn bộ cơ sở vật chất, thiết bị, tiến hành đầu tư, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị; đồng thời tăng cường đào tạo nghề về số lượng, chất lượng và mở rộng các nghành nghề”.
Những kết quả đạt được trong thực hiện Đề án 06 của Tỉnh ủy đã tạo nên những chuyển biến rõ nét và toàn diện về chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học của Lào Cai, từng bước đáp ứng yêu cầu trong điều kiện hội nhập sâu rộng như hiện nay./.