- Đền Thượng
Đền Thượng tọa lạc tại phường Lào Cai, thành phố Lào Cai, nằm trong quần thể di tích văn hóa với chùa Tân Bảo, đền Am, đền Mẫu, đền Cấm, đền Quan. Đây là ngôi đền nổi tiếng đã có niên đại hơn 200 tuổi được xây dựng sát đường biên giới Việt – Trung. Đền được xây dựng vào thời Lê, niên hiệu Chính Hoà (1680-1705), là nơi thờ Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Tọa lạc trên núi Mai Lĩnh trên độ cao 1200m so với mực nước biển. Đền Thượng là nơi từng được Trần Quốc Tuấn đã chọn làm nơi hỏa hiệu cho quân đội chống giặc phương bắc. Đền Thượng là một trong những ngôi đền linh thiêng được nhiều người biết đến nhất trong hệ thống các đền, chùa ở Lào Cai. Cứ vào dịp rằm tháng Giêng âm lịch, Lễ hội xuân Đền Thượng được tổ chức, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái.
Hàng năm đền Thượng tổ chức lễ hội vào ngày rằm tháng giêng, ngoài ra còn tiến hành lễ dâng hương ngày 20 tháng 8 âm lịch vào chính giỗ của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Đến với lễ hội đền Thượng, du khách không chỉ hòa mình với không gian văn hóa của lễ hội, mà còn được thưởng thức những nét văn hóa truyền thống bản địa thông qua các trò chơi dân gian, hội thi và ẩm thực đặc sắc.
- Đền Đôi Cô
Đền Đôi Cô toạ lạc tại một vị trí khá đẹp tại phường Bình Minh, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Phía trước đền là dòng suối xanh, lưng đền dựa vào gò đồi đất lớn. Trải qua nhiều thăng trầm và biến động của lịch sử, ngôi đền Đôi Cô vẫn tồn tại ngày càng được xây dựng khang trang rộng rãi, đáp ứng được nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân địa phương cũng như du khách thập phương. Truyền thuyết Đền Đôi Cô – Cô Đôi Cam Đường còn được người dân gọi với tên khác là đền “Cô Đôi Cam Đường”.
Đền Đôi Cô hàng năm cũng có một số ngày lễ hội chính như: Lễ tết thượng nguyên tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch; Ngày lễ chính của đền Đôi Cô tổ chức vào ngày 13 tháng 9 âm lịch. Đền Đôi Cô cùng với chùa Cam Lộ liền kề là quần thể di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, chiêm bái.
Đền Bảo Hà.
- Đền Bảo Hà
Khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đền Bảo Hà tọa lạc dưới chân đồi Cấm, bên tả ngạn sông Hồng thuộc xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Đền thờ Thần Vệ Quốc Hoàng Bảy – là danh tướng thứ bẩy họ Nguyễn đã có công lớn trong việc chiêu mộ và chỉ huy quân sỹ cùng nhân dân chống giặc ngoại xâm bảo vệ miền biên cương của Tổ quốc. Với những công lao trong lịch sử trấn ải vùng Tây Bắc, Ông đã trở thành nhân vật huyền thoại được lớp lớp thế hệ con cháu ngưỡng vọng và thờ phụng. Đền được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1997. Đền Bảo Hà nổi tiếng linh thiêng, được nhiều người thành kính sùng bái. Không chỉ có giá trị về ý nghĩa lịch sử, tâm linh, cho đến nay kiến trúc nguyên thủy của đền vẫn được giữ lại gần như toàn bộ, nó thể hiện sự uy nghi và trang nghiêm nhưng không quá cầu kỳ, gồm: cổng tam quan, sân đền, nhà khách, phủ chúa Sơn Trang, Tòa đại bái, Cung cấm, Cung nhị, Cung cộng đồng. Trong các cung thờ chính của đền có các pho tượng: Đức Thánh Trần, Đức Vua Cha, Quan Tuần Tranh, ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Đông, quan Bơ phủ, Mẫu Nhị, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thủy Tiên, Thiên Phúc Thiên Nhãn.
Đền Bảo Hà có rất nhiều ngày lễ hội, trong đó những ngày lễ chính là: Lễ thượng nguyên (Rằm tháng Giêng), lễ tiệc quan tuần tranh (25/5 Âm lịch), lễ hội ngày giỗ ông Hoàng Bảy (17/7 Âm lịch), lễ Tết muộn (Tết tất niên).
Đây là một điểm du lịch tâm linh truyền thống thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước, dù người đi đến tham quan đền vào bất cứ thời điểm nào cũng mang trong mình một cảm xúc thổn thức khó tả khi hành hương về đây.
Lễ hội Đền cô Tân An và lễ đón bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia.
- Đền Cô Tân An
Đền Cô Tân An (đền Cô Bé Thượng Ngàn) nằm đối diện với đền Bảo Hà, thuộc xã Tân An, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Đền là nơi thờ tự một nữ chúa có tên húy là Hoàng Bà Xa, người đã có công chinh phạt giặc ác, giữ yên bờ cõi, được cư dân nơi đây suy tôn là vị Thánh Mẫu. Hằng năm, nhân dân chọn ngày 17 tháng Giêng ngày kỵ của Bà tổ chức Lễ hội, để nhân dân và khách hành hương thập phương đến dâng hương tưởng nhớ công ơn Bà. Trong buổi lễ một nghi thức không thể thiếu được, đã trở thành nghi thức truyền thống bao đời nay để lại đó là nghi thức kiệu rước Cô sang đón Ông Hoàng Bảy từ Đền Bảo Hà sang Đền Cô và sau khi hành lễ xong nhân dân lại kiệu rước Cô đưa Ông trở về Đền Bảo Hà. Ngôi đền đã được xếp hạng Di tích quốc gia năm 2016.
- Đền Phúc Khánh
Đền Phúc Khánh tọa lạc trên đồi Tấp, nằm trong quàn thể di tích “Thành cổ Nghị Lang”, trung tâm thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Phúc Khánh là ngôi đền linh thiêng thờ tự các vị chúa Bầu (Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật và con cháu), được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 2002. Hằng năm cứ đến ngày Thìn tháng Giêng là Lễ hội Đền Phúc Khánh được mở. Cùng với Thành cổ Nghị Lang, di tích Chiến thắng Đồn Phố Ràng, Đền Bảo Hà, đền Cô Tân An thì đền Phúc Khánh đang hình thành một tuyến du lịch lịch sử, tâm linh kết nối với các tuyến, tour du lịch trong tỉnh Lào Cai trở thành thương hiệu và hành trình khám phá, trải nghiệm không thể thiếu của mọi du khác trong hành trình của mình khi đến với Lào Cai.
Bạn hãy ghé thăm Lào Cai – điểm đến của du lịch tâm linh để tìm sự bình an, gạt bỏ đi những muộn phiền, lo âu của năm cũ và cầu mong những may mắn, hạnh phúc trong năm mới.