66 năm đã trôi qua nhưng quá khứ một thời chiến đấu oanh liệt vẫn vẹn nguyên trong ký ức cựu chiến binh Cao Đạt ở tổ 5, phường Bắc Lệnh, thành phố Lào Cai. Trong ngôi nhà nhỏ dưới bóng cây râm mát, người cựu chiến binh 92 tuổi, mái tóc đã bạc trắng kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng tham gia chiến đấu tại Điện Biên Phủ.
Cựu chiến binh Cao Đạt (phải ảnh) kể về những năm tháng chiến đấu tại Điện Biên Phủ. |
Năm 1950, chàng thanh niên tên Cao Đạt vì trốn quân dịch nên bỏ quê hương Hưng Yên vào Thanh Hóa, rồi gặp bộ đội và theo cách mạng từ ngày đó. Sau 8 tháng huấn luyện chuyên môn thông tin, ông được biên chế về Sư đoàn 304… Năm tháng qua đi quá nửa cuộc đời, giờ đây tuổi đã cao, trí nhớ giảm sút, ký ức về những ngày chiến đấu không còn cụ thể, rõ nét, ông Đạt chỉ nhớ mình đã cùng đơn vị tham gia các chiến dịch Hòa Bình, Ninh Bình, Thượng Lào trước khi bước vào Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ông Đạt kể: Khoảng đầu tháng 3/1954, ông cùng đơn vị bắt đầu hành quân lên Điện Biên Phủ và được giao nhiệm vụ bao vây phân khu Hồng Cúm, khống chế sân bay và trận địa pháo binh của địch, tiến tới chia cắt phân khu Hồng Cúm với phân khu trung tâm Mường Thanh. Tại đây, ngoài đảm bảo thông tin phục vụ chiến đấu, ông Đạt còn tham gia đào hào xâm nhập các cứ điểm của địch để đưa hỏa lực vào gần hơn nhằm kiềm chế pháo binh địch. Công việc đào hào rất vất vả, lúc đầu đơn vị của ông phải nằm đào, khi đủ sâu có thể ngồi rồi đứng đào. Mặc dù bom đạn địch cản phá ác liệt, mọi người vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần cao nhất. Đêm 20/3, quân ta bắt đầu tập kích đánh chiếm sân bay Hồng Cúm. Với chiến thuật vừa đánh, vừa đào giao thông hào, ta đã chia cắt sân bay Hồng Cúm thành nhiều mảnh.
Bước vào đợt 3 của chiến dịch, bắt đầu từ ngày 1/5, tại Hồng Cúm, pháo và súng cối của Sư đoàn 304 bắn dồn dập vào trận địa pháo của địch. Ông Đạt cùng đồng đội anh dũng chiến đấu, người trước ngã xuống, người sau tiếp bước, quyết tâm mở đường vào khu trung tâm. Chiều 7/5, tướng Ðờ Cát-xtơ-ri, Chỉ huy trưởng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cùng Bộ Tham mưu bị bắt làm tù binh. Buổi tối 7/5, Sư đoàn 304 nhận lệnh tiến công Hồng Cúm, cứ điểm cuối cùng của địch…
Cựu chiến binh Nguyễn Công Sứ với mô hình trồng đào cảnh. |
Mỗi dịp tháng 5 về, trong lòng cựu binh Nguyễn Công Sứ ở tổ dân phố Phú Cường 1, thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng lại trào dâng niềm tự hào. Ngồi trong ngôi nhà, nhìn ra ao cá, bên kia là vườn đào thế xanh tốt, ông nhớ lại: Năm 1945, ông Sứ khi ấy mới 13 tuổi đã theo cán bộ tham gia cướp chính quyền ở quê nhà Tiên Lãng, Hải Phòng, sau đó tham gia phong trào thanh niên. Khi thực dân Pháp chiếm đóng quê hương, ông tiếp tục hoạt động trong vùng địch hậu, tuyên truyền phong trào cách mạng đến với Nhân dân. Năm 1951, ông Sứ bị bắt cùng 5 người khác, bất chấp đòn roi hiểm độc của kẻ thù, những người cách mạng không hé răng khai nửa lời. Cuối cùng, chúng đưa các ông ra bờ sông Văn Úc (Tiên Lãng) xử bắn. Có 4 người đã hy sinh, khi đến lượt ông và 1 người nữa thì đột nhiên chúng dừng lại, một thời gian sau, ông Sứ được trả tự do. Sau đận đó, ông tình nguyện nhập ngũ vào Đại đội 16, Sư đoàn 304, tham gia chiến đấu cho đến khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc vào ngày 7/5/1954.
Ông Sứ bảo: Ngày đó, lòng căm thù giặc của Nhân dân ta lên cao lắm, thanh niên như chúng tôi ai cũng háo hức được ra trận chiến đấu, giáp mặt với kẻ thù!
Sau khi chiến đấu tại nhiều chiến dịch khác nhau, đầu tháng 3/1954, ông Sứ cùng đơn vị hành quân lên Điện Biên Phủ, chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng. Sư đoàn 304 được chia thành 2 cánh, vừa phục kích đánh quân chi viện của địch từ Lào sang, vừa ngăn địch rút quân từ Điện Biên Phủ sang Lào. Ông Sứ được phân công tham gia cùng cánh thứ hai đánh vào cứ điểm Hồng Cúm. Ngày đó, các trang – thiết bị của ta còn thiếu thốn nên lính thông tin như ông Sứ rất vất vả. Để đảm bảo chuyển tải được các mệnh lệnh chiến đấu, lính thông tin phải bí mật đi trước bố trí hệ thống đường dây… Tại Hồng Cúm, ông Sứ tham gia chiến đấu đợt 1 và đợt 2, sau đó chuyển lên bộ phận văn công của sư đoàn, phục vụ biểu diễn văn nghệ cho bộ đội ngay trên chiến tuyến.
“Ngày 7/5, Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, quân địch lũ lượt kéo cờ trắng ra hàng còn bộ đội ta ôm nhau hò reo vui mừng không sao kể xiết. Trong giây phút mừng vui vỡ òa, những người lính lại ôm nhau khóc vì thương đồng đội vừa hy sinh chỉ cách chiến thắng được tính bằng phút, bằng giây. Trên các ngả đường, người dân kéo ra reo hò, nhảy múa, họ mang thực phẩm tiếp tế cho bộ đội. Khung cảnh đó tôi mãi mãi không thể nào quên”, ông Sứ bộc bạch.
Những cựu chiến binh như ông Đạt, ông Sứ giờ đây đều đã bước sang tuổi 80, 90. Ký ức về những năm tháng “…khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng/Chí không mòn” để làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” không bao giờ phai nhạt trong lòng họ – những chiến sỹ Điện Biên ngày ấy.
“Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Tầm vóc Chiến dịch Điện Biên Phủ sẽ còn được lịch sử đất nước và thế giới nhắc đến, bởi sự kiện này không chỉ mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam và các nước Đông Dương, mà còn góp phần quan trọng đối với phong trào giải phóng dân tộc, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.