Từ cán bộ truyền thông tuyến tỉnh…
Hôm nay cũng như bao ngày, chị Nguyễn Hồng Loan, phóng viên của Khoa Truyền thông – Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kiểm tra máy quay, thẻ nhớ, chuẩn bị lên đường. Chị có lịch phỏng vấn, đưa tin với khu cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh.
Chị Nguyễn Hồng Loan phỏng vấn bác sỹ làm việc tại khu điều trị cách ly Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. (Ảnh: Thu Huyền) |
Chị Hồng Loan là một trong những phóng viên tích cực tham gia tuyến đầu trên mặt trận truyền thông phòng, chống Covid – 19. Bên cạnh việc chuẩn bị thiết bị ghi hình, Hồng Loan còn cẩn thận bảo hộ cho bản thân bằng khẩu trang và nước sát khuẩn tay. Dáng gầy nhỏ bé, đôi mắt sáng sau cặp kính cận, từ dịp tết đến giờ, chị Hồng Loan phải làm việc với áp lực chưa từng có. Công việc của chị là cập nhật thông tin trên tuyến đầu chống dịch như Lào Cai đang ghi nhận bao nhiêu ca nhiễm, bao nhiêu người phải cách ly, hành trình di chuyển của những ca dương tính, công tác phòng, chống dịch bệnh tại Lào Cai như thế nào. Một mình kiêm nhiệm nhiều công tác từ quay phim, chụp ảnh, lên kịch bản, viết bài, dựng hình và phải đảm bảo thời gian thông tin nhanh nhất để gửi về đài truyền hình hoặc lưu vào tư liệu của ngành nhưng điều đó không hề khó khăn với phóng viên Hồng Loan. Chị Nguyễn Hồng Loan nói với chúng tôi rằng: “Là phóng viên trong phòng, chống dịch bệnh, tôi phải đối mặt với áp lực về thời gian, chất lượng thông tin nhưng luôn nỗ lực hoàn thiện bản thân để đem đến cho nhân dân những thông tin chính xác nhất”. Không chỉ là phóng viên, với trách nhiệm của một cá nhân trong ngành truyền thông y tế, chị Nguyễn Hồng Loan còn trở thành người tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong gia đình và khu dân cư.
Phóng viên Báo Lào Cai tác nghiệp về công tác phòng, chống dịch Covid -19. |
Chị Nguyễn Thị Lan Anh, Trưởng Khoa Truyền thông – Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trong những ngày qua với bút danh “Lan Anh” cũng đã có rất nhiều tin, bài phản ánh diễn biến dịch bệnh, đặc biệt là phản ánh nhanh kết quả xét nghiệm của các ca nghi nhiễm đến với bạn đọc. Bên cạnh đó, với vai trò trưởng phòng, chị còn lên kế hoạch thực hiện phóng sự, tin, bài tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng bệnh, khai báo y tế… Đồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh. Có thể kể đến rất nhiều hoạt động truyền thông về phòng, chống dịch bệnh của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh, như trực tuyến chia sẻ thông tin về Covid-19 từ Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; video cùng cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thực hiện đeo khẩu trang đúng cách và hàng loạt những phóng sự, bài viết phản ánh tình hình hoạt động tại các đơn vị y tế, chốt kiểm dịch trên địa bàn.
… đến cán bộ truyền thông cơ sở
Cùng làm công tác truyền thông ở thị xã Sa Pa, địa bàn phát triển du lịch với lượng khách đến từ nước ngoài rất lớn, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất cao, anh Nguyễn Tuấn, Phóng viên Trung tâm Văn hóa, Thể thao – Truyền thông thị xã Sa Pa là một trong những người làm công tác truyền thông xông xáo. Sa Pa là địa bàn rộng lớn nhưng số lượng phóng viên của Trung tâm lại ít, nên công tác truyền thông đến cơ sở khó khăn hơn. Trên địa bàn chủ yếu tập trung đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, để thông tin đến với đồng bào kịp thời và chính xác, phóng viên địa bàn phải chịu không ít áp lực về thời gian và ngôn ngữ.
Hôm nay, cũng như từ ngày xảy ra dịch bệnh Covid-19, phóng viên Nguyễn Tuấn lại chuẩn bị đồ nghề gồm máy quay, chân máy, thẻ nhớ đưa tin về các địa điểm du lịch của Sa Pa tạm thời dừng đón khách và một số cá nhân đã kết thúc thời gian cách ly kể từ khi trên địa bàn xuất hiện 2 du khách người Anh dương tính với Covid-19. Tâm trạng của phóng viên Nguyễn Tuấn xen lẫn vui buồn. Anh vui bởi cuối cùng trên địa bàn Sa Pa, số người tiếp xúc gần với 2 du khách kia đều âm tính và kết thúc hành trình cách ly với cộng đồng nhưng buồn vì Sa Pa giờ đây vắng vẻ quá. Anh thích cảm giác được hòa vào dòng người nhộn nhịp du khách như trước đây, được thấy đồng bào Sa Pa xuống phố bán chút thổ cẩm hay vài bó rau trang trải cuộc sống hàng ngày. Anh muốn được hít hà không khí lạnh tái tê của Sa Pa, được ăn đồ nướng rồi cà phê tâm sự với đồng nghiệp. Những điều tưởng chừng như đơn giản ấy giờ lại khó có được trong thời gian này.
Các tình nguyện viên tại chốt kiểm soát dịch IC 17, Cao tốc Nội Bài – Lào Cai (xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng) tuyên truyền cho người dân cách phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Phạm Sơn |
Là phóng viên bám nắm địa bàn có nguy cơ lây dịch bệnh cao, việc cung cấp thông tin liên tục đến nhân dân là rất cần thiết, anh Nguyễn Tuấn đã tự trau dồi vốn tiếng Mông, Dao để có thể thông tin đến đồng bào, tránh tâm lý hoang mang hay bị tiếp cận thông tin không chính xác trong cộng đồng các dân tộc Sa Pa. Làm việc trong môi trường khắc nghiệt và nguy hiểm, liên tục phải thông tin khi có người đến từ vùng dịch hay địa điểm có người phải cách ly, chịu áp lực nhưng đó không phải là trở ngại với phóng viên Nguyễn Tuấn. Anh Nguyễn Tuấn cho biết: Tôi mong rằng những đóng góp nhỏ bé của mình có thể giúp đồng bào trên địa bàn Sa Pa hiểu rõ hơn về dịch bệnh, có thông tin chính xác về số ca nhiễm, lịch trình, phương án cách ly để yên tâm, không hoang mang, sẵn sàng đồng hành với Chính phủ trong công tác chống dịch.
Vai trò của công tác truyền thông trong phòng, chống dịch rất quan trọng, nhất là đối với địa bàn vùng cao khó khăn, nơi hiểu biết của đồng bào còn nhiều hạn chế. Những người làm truyền thông ở Lào Cai đã đến từng nơi, đem đến cho người dân những thông tin chính xác và trực tiếp tuyên truyền cho bà con cách bảo vệ sức khỏe, phòng, chống dịch Covid-19. Nhờ đó, mỗi người dân Lào Cai đã trở thành một chiến sỹ trên mặt trận chống lại đại dịch Covid – 19.