Cùng tham dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Lào Cai. |
Dự hội nghị tại điểm cầu Lào Cai có đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 được Quốc hội quyết nghị tại các nghị quyết của Quốc hội là hơn 526 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 222 nghìn tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương hơn 304 nghìn tỷ đồng. Nếu tính cả 16 nghìn tỷ đồng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia chuyển nguồn từ năm 2021 sang năm 2022, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 là hơn 542 nghìn tỷ đồng.
Đến ngày 23/9, tổng số vốn ngân sách nhà nước các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân là hơn 508,3 nghìn tỷ đồng, đạt 93,8% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; trong đó vốn trong nước đạt 93,4% kế hoạch, vốn nước ngoài đạt 98,7% kế hoạch. Số vốn ngân sách nhà nước còn lại chưa phân bổ là hơn 33 nghìn tỷ đồng (bằng 6,2% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; chủ yếu là vốn cân đối ngân sách địa phương với 8/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch).
Giải ngân vốn đầu tư công đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm so cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 47,38%), tuy nhiên số tuyệt đối giải ngân năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 hơn 34 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 16% so số giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước cùng kỳ năm trước.
Có 2 cơ quan Trung ương và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt hơn 70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, có 39/51 bộ, cơ quan Trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (46,7%), trong đó có 14 bộ, cơ quan Trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Các địa phương dự hội nghị qua cầu truyền hình trực tuyến. |
Đối với tỉnh Lào Cai, đến thời điểm này, tỷ lệ giải ngân của tỉnh đạt 1.954/5.328 tỷ đồng, bằng 37,3% kế hoạch và bằng 43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và ước đến hết ngày 30/9/2022 đạt 2.095/5.328 tỷ đồng, bằng 39,3% kế hoạch (cao hơn 2 điểm % so với số liệu Bộ Tài chính theo dõi) và bằng 46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn kéo dài năm 2021 sang năm 2022 đạt 19/84 tỷ đồng, bằng 22% kế hoạch; vốn cân đối ngân sách địa phương đạt 1.302/2.781 tỷ đồng, bằng 47% kế hoạch; vốn ngân sách Trung ương đạt 569/2.100 tỷ đồng, bằng 27% kế hoạch; vốn nước ngoài ODA 63/362 tỷ đồng, bằng 18% kế hoạch.
Tại hội nghị, đại diện các địa phương đề nghị các bộ sớm ban hành hướng dẫn chi tiết thực hiện nội dung của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, tiếp tục đẩy mạnh giải quyết thủ hành chính và phân cấp, phân quyền mạnh hơn về xây dựng cơ bản; giao kế hoạch đầu tư ngay từ đầu năm…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, nhất là trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, thách thức hiện nay.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. |
Vấn đề giải ngân vốn đầu tư công và triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hết sức quyết liệt, sâu sát với việc ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện và tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến toàn quốc, cuộc họp. Tuy nhiên, công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 chưa đạt yêu cầu đề ra, ảnh hưởng tới các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của các địa phương, sớm hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục rà soát, cắt bớt thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền cho cơ sở và việc lựa chọn danh mục đầu tư không nên dàn trải để phát huy hiệu quả cao nhất. Các cấp, các ngành, địa phương phải hành động quyết liệt, tích cực với nỗ lực cao nhất, tất cả vì quốc gia, vì nhân dân. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra tiến độ hằng tuần, hằng tháng đối với các dự án đã có và nâng cao kỷ luật, kỷ cương, năng lực chuẩn bị các dự án đầu tư; động viên các nhà thầu với phương châm “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Các cơ quan truyền thông tích cực vào cuộc chia sẻ những mô hình, cách làm hay, sáng tạo và thẳng thắn nêu những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc để kịp thời có giải pháp tháo gỡ…