Báo Lào Cai lược ghi bài phát biểu quan trọng này.
Quang cảnh kỳ họp. |
Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh có ý nghĩa quan trọng, quyết định nhiều nội dung lớn trong việc đánh giá kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của năm 2022, từ đó đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ để các cấp, các ngành và UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện trong năm 2023, tạo nền tảng tiệm cận dần mục tiêu Đại hội lần thứ XVI của Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Trong khuôn khổ bài phát biểu này, tôi xin tập trung làm rõ hơn, báo cáo thêm một số nội dung cử tri, Nhân dân và các đại biểu HĐND tỉnh quan tâm, đó là kết quả thực hiện kinh tế – xã hội năm 2022; các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; các báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh tại kỳ họp; việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri và ý kiến sau giám sát của HĐND, Thường trực, các ban, các tổ đại biểu HĐND tỉnh…
Kinh nghiệm trong điều hành của UBND tỉnh năm 2022
Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường phát biểu tại kỳ họp. |
Năm 2022 tiếp tục có nhiều khó khăn do những yếu tố khách quan, nhưng những kết quả đạt được của tỉnh rất đáng khích lệ, phấn khởi. Tỉnh đã thực hiện tốt chủ đề năm “Đoàn kết – kỷ cương – thích ứng linh hoạt – phát triển toàn diện”. Có được những kết quả quan trọng, trước hết, tỉnh Lào Cai tiếp tục nhận được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, sự giám sát chặt chẽ, theo dõi thường xuyên, đồng hành của HĐND tỉnh; sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp; thực sự tranh thủ được thời cơ, khắc phục những khó khăn, chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong điều hành…
Tuy nhiên, trong quá trình điều hành của UBND tỉnh vẫn còn những tồn tại, có những tồn tại kéo dài. UBND tỉnh nghiêm túc rút kinh nghiệm, tiếp thu ý kiến góp ý để khắc phục trong những năm tới.
Trong quá trình điều hành, UBND tỉnh rút ra một số bài học kinh nghiệm, đó là:
Thứ nhất, chủ động nhận diện sớm những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn trên địa bàn để từ đó tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của toàn bộ hệ thống chính trị, tạo ra sự chuyển biến. Trong năm, tỉnh đã chủ động, thích ứng linh hoạt, phát triển toàn diện. Từ thực tiễn nhiều yếu tố mới phát sinh, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề để bổ trợ cho việc thực hiện các mục tiêu của 18 đề án công tác trọng tâm cả giai đoạn, thể hiện cách làm sáng tạo của Lào Cai.
Thứ hai, có sự quyết tâm cao, cách làm đồng bộ, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ví dụ, trong giải ngân xây dựng cơ bản, theo đánh giá của Cục Thống kê, 6 tháng đầu năm, công tác giải ngân của tỉnh đứng thứ 45/63 tỉnh, thành; tăng trưởng trong lĩnh vực xây dựng chỉ đạt 0,3%. Nhưng với sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, yêu cầu UBND tỉnh phải đôn đốc và thực hiện giao ban hằng tuần; sự quyết liệt từ các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố, đến nay Lào Cai đã đứng thứ 8 về giải ngân vốn xây dựng cơ bản.
Tại kỳ họp thứ 10, đại biểu HĐND tỉnh nhất trí nghị quyết thông qua thì gần như toàn bộ các nội dung vốn trung hạn được giao gần hết. Đây là điểm mới trong công tác chỉ đạo, điều hành, làm sao hấp thụ được nguồn lực càng nhanh càng tốt, các công trình phát huy hiệu quả càng sớm càng tốt. Hiện nay, với 28.000 tỷ đồng vốn trung hạn đầu tư công của tỉnh chỉ còn hơn 600 tỷ đồng chưa giao cho thấy khối lượng công việc được giải quyết rất lớn. Đặc biệt lĩnh vực y tế đã đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng; lĩnh vực giáo dục khoảng 4.000 tỷ đồng, trong đó có 3.200 tỷ đồng đầu tư về công trình, khoảng hơn 849 tỷ đồng đầu tư cho thiết bị đã được khoảng 129 tỷ đồng… Cho thấy điểm nghẽn về công tác chuẩn bị đầu tư cũng đã được tỉnh nhận diện và từng bước khắc phục.
Làm đồng bộ, làm đến đâu được đến đấy và có sự lồng ghép các nguồn vốn.
Thứ ba, có sự kết nối tốt. Trong năm qua, tỉnh đã có sự kết nối tốt để Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương lên làm việc tại Lào Cai và có nhiều kết luận các chủ trương lớn. Đồng thời có sự kết nối với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); đại sứ các nước; các tập đoàn, doanh nghiệp lớn…
Thứ tư, tạo sự ổn định, sự đồng thuận của người dân và kết hợp giữa các giải pháp ngắn hạn với dài hạn. Ví dụ, lĩnh vực du lịch Lào Cai rất có lợi thế, nhưng nếu không có những giải pháp phát triển sẽ bị tụt hậu. Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết, chiến lược về phát triển du lịch, nhưng đó là mục tiêu dài hạn. Trước mắt, thị xã Sa Pa phải quan tâm giải quyết công tác vệ sinh môi trường, hành lang vỉa hè, trẻ em ăn xin…
Thứ năm, việc lựa chọn chủ đề năm trúng, đúng, xuyên suốt để thực hiện.
Các chỉ tiêu đặt ra cao trong năm 2023
Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường khẳng định quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra năm 2023. |
Tỉnh đã thống nhất xác định 25 chỉ tiêu kinh tế – xã hội, trong đó 11 chỉ tiêu kinh tế, 8 chỉ tiêu về xã hội, 3 chỉ tiêu môi trường và 3 chỉ tiêu khác. Đây đều là các chỉ tiêu phấn đấu đặt ra rất cao, nhằm bù đắp lại cho 2 năm vừa qua do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, để tiệm cận dần với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.
Ngoài ra, trong bối cảnh bứt phá đi lên của một số tỉnh trong khu vực cũng như những yêu cầu cao hơn của người dân và doanh nghiệp, Thường trực Tỉnh ủy đã có nghị quyết, yêu cầu đặt ra những chỉ tiêu rất cao trong năm 2023, như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11%, thu ngân sách 12.000 tỷ đồng, tổng mức đầu tư của toàn xã hội 53.000 tỷ đồng… đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải nỗ lực, cố gắng hơn nhiều để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra theo chủ đề năm: “Đoàn kết – kỷ cương – sáng tạo – hành động – phát triển”.
UBND tỉnh trình HĐND tỉnh nhiều nội dung với cách làm mới
Tại kỳ họp thứ 10, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh 8 báo cáo và 20 tờ trình, trong đó, báo cáo về kinh tế – xã hội năm 2022 và định hướng các chỉ tiêu trong năm 2023 cơ bản các đại biểu đồng tình. Có 9 tờ trình ban hành cơ chế chính sách địa phương, trong đó có 3 tờ trình ban hành mới 3 nghị quyết quy định mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng cho các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng trên địa bàn tỉnh Lào Cai; hỗ trợ học phí cho trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non công lập trên địa bàn tỉnh Lào Cai thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế đối với một số đối tượng trên địa bàn tỉnh Lào Cai…
Đến nay, tỉnh đã ban hành 60 nghị quyết và 62 chính sách với tổng số kinh phí thực hiện trên 3.000 tỷ đồng.
Đối với tờ trình về các chủ trương đầu tư cũng là một điểm mới. Những năm trước, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua chủ trương trước, đến kỳ họp sau tiếp tục trình bổ sung vào trung hạn, kỳ họp sau nữa lại trình bố trí vốn. Tại kỳ họp này, sẽ thực hiện khi có chủ trương đầu tư bố trí trung hạn và công tác chuẩn bị đầu tư luôn, cách làm này sẽ thúc đẩy đầu tư xây dựng, giải ngân trên địa bàn được nhanh hơn.
Đối với ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa XVI có 275 ý kiến, đã giải quyết xong 251, đạt 91,3%, với những ý kiến chưa được giải quyết, cử tri vẫn đề xuất kiến nghị, nhưng do vướng mắc ở cơ chế, chính sách, UBND tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm đề nghị, tháo gỡ, giải quyết trong thời gian tới.
Đại biểu biểu quyết thông qua nhiều chính sách quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương. |
Năm 2023, trong bối cảnh cơ hội và thách thức, khó khăn đan xen, xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội sẽ là nền tảng, động lực cho việc phát triển tỉnh Lào Cai trong cả nhiệm kỳ, UBND tỉnh sẽ nỗ lực, quyết tâm cao hơn, quyết liệt trong hành động, đổi mới mạnh mẽ tư duy và phương pháp làm việc; thực hiện nghiêm túc kỷ cương, kỷ luật hành chính, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, đặc biệt 5 hạn chế đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong đã chỉ ra và thực hiện chủ đề năm “Đoàn kết – kỷ cương – sáng tạo, hành động – phát triển”. UBND tỉnh tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, góp ý, phản ánh của các đại biểu HĐND tỉnh và của đông đảo cử tri trong tỉnh, cầu thị để tiếp tục bổ sung, điều chỉnh trong công tác chỉ đạo điều hành trong năm 2023 và những năm tiếp theo, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra.
MỘT SỐ CHỈ TIÊU CHÍNH TRONG NĂM 2023 – Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP): 11% – Cơ cấu kinh tế: Nông – lâm – ngư nghiệp chiếm 12,8%; công nghiệp – xây dựng chiếm 46,9%; dịch vụ chiếm 40,3%. – GRDP bình quân đầu người: 103 triệu đồng/năm – Tổng vốn đầu tư toàn xã hội: 53.000 tỷ đồng, bằng 117,8% so với số ước thực hiện năm 2022. – Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn: 12.000 tỷ đồng. – Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất canh tác: 95 triệu đồng. – Giá trị sản xuất công nghiệp (giá 2010) trên 51.100 tỷ đồng. – Tổng lượng khách du lịch đến địa bàn: 6 triệu lượt, doanh thu du lịch trên 20.500 tỷ đồng. – Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ: 34.400 tỷ đồng; giá trị xuất – nhập khẩu qua các cửa khẩu: 5 tỷ USD. – Tỷ lệ giảm hộ nghèo đa chiều bình quân hàng năm đạt 4%/năm. – Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67,%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 29,3%; tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp dưới 52,7%; tỷ lệ thất nghiệp 1,2%. – Tỷ lệ che phủ rừng: 58,5%. |