Ưu tiên bố trí nguồn lực cao nhất cho 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh là nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm mà UBND tỉnh xác định tại Kế hoạch 239 ngày 19/5/2021 giai đoạn 2021 – 2025. Trước đó, Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định 148 ngày 2/3/2021 về việc phân công Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh giúp đỡ các xã có tỷ hộ nghèo cao của tỉnh. Quyết định này nhằm gắn trách nhiệm của từng cá nhân cụ thể, trong đó có các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh với các xã, với tinh thần “người dân hết nghèo, xã thoát nghèo thì lãnh đạo mới hoàn thành nhiệm vụ”.
Theo Quyết định 148 của Tỉnh ủy có 8 đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trực tiếp được phân công giúp đỡ 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh. Các đồng chí được giao nhiệm vụ đã thường xuyên chỉ đạo sát sao đối với công tác phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2025 đối với 10 xã nghèo. Trong năm 2022 đã tổ chức nhiều buổi làm việc, nắm khó khăn, hạn chế của từng xã, đồng thời có những chỉ đạo kịp thời. Mỗi đồng chí lãnh đạo được giao giúp đỡ xã nghèo có những cách làm khác nhau, nhưng điểm chung nhất là sự tâm huyết, trách nhiệm, luôn đau đáu với công tác giảm nghèo, hướng về người nghèo bằng những việc làm thực chất và mang lại hiệu quả thiết thực.
Cùng với đó, tỉnh ưu tiên từ nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ chế, chính sách cho đến đầu tư hạ tầng. Năm 2022, tỉnh đã điều động, luân chuyển 14 cán bộ, công chức (tăng 1 so với năm 2021), trong đó Mường Khương 8 người, Bắc Hà 2 người, Bát Xát 3 người, Văn Bàn 1 người. Đến hết năm 2022, đã bố trí được 7/10 xã có cán bộ, công chức cấp huyện tăng cường về làm cán bộ đảm nhiệm các chức danh chủ chốt, gồm: Bí thư, phó bí thư đảng ủy, chủ tịch, phó chủ tịch UBND tại các xã nghèo.
Những kết quả trên đã tạo nền móng để những năm tiếp theo Lào Cai đạt và vượt mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 8% trở lên theo tiêu chí chuẩn nghèo giai đoạn 2021 – 2025 tại 10 xã; nâng thu nhập bình quân đầu người năm 2025 gấp 2 lần so với năm 2020.
Xác định phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp là “chìa khóa” đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo tại 10 xã khó khăn nhất tỉnh, năm 2022, ngành nông nghiệp Lào Cai phối hợp với chính quyền các địa phương, đơn vị tổ chức rà soát, đánh giá tình hình sản xuất các loại nông sản chính, đồng thời triển khai thực hiện 18 danh mục dự án đầu tư phát triển sản xuất, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, với tổng kinh phí hơn 4,6 tỷ đồng.
Nhiều dự án được triển khai đã phát huy hiệu quả, giúp người dân thoát nghèo, như dự án trồng măng sặt, chăn nuôi bò, ngựa sinh sản, liên kết trồng gừng trâu xuất khẩu ở xã Nậm Chày (Văn Bàn); dự án trồng chè Shan, chăn nuôi lợn đen sinh sản tại các xã: Lùng Khấu Nhin, Tả Thàng, Dìn Chin, La Pán Tẩn (Mường Khương); dự án phát triển cây ăn quả ôn đới, chăn nuôi bò, lợn đen bản địa, trồng dong riềng tại Pa Cheo, xã Dền Thàng (Bát Xát)…
Pa Cheo là xã có tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu nhất trong 10 xã, đạt 14,45% (từ 79,39% xuống 64,81%, tương đương giảm 167 hộ nghèo/năm). Thu nhập bình quân năm 2022 đạt 19,2 triệu đồng/người, tăng 5,2 triệu đồng/người so với năm 2020.
Thời gian tới, xã Pa Cheo tiếp tục đưa ra các dự án hỗ trợ đầu tư vào phát triển kinh tế hộ. Khuyến khích người dân phát triển các mô hình hiện có để mở rộng thành vùng sản xuất hàng hóa; triển khai một số dự án mới như trồng cây dược liệu, phát triển cây dong riềng, trồng su su, nuôi cá nước lạnh… để nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững cho người dân.
Lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế tiếp tục được quan tâm đầu tư và duy trì ổn định về số lượng, chất lượng. Tỉnh đã thực hiện giải pháp tập trung đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu, đảm bảo đạt các tiêu chí nông thôn mới về hạ tầng vùng nông thôn ở 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Trước hết, ưu tiên nguồn lực đầu tư các công trình giao thông nông thôn, tiếp đến là hệ thống trường học, trạm y tế, công trình thủy lợi và các công trình cấp điện sinh hoạt… Năm 2022, nhiều công trình hạ tầng của 10 xã nghèo đã được đầu tư xây dựng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Xã Hoàng Thu Phố (huyện Bắc Hà) có 98% dân số là đồng bào Mông, sinh sống tại 7 thôn, với 575 hộ. Chủ tịch UBND xã Hoàng Thu Phố Trần Văn Cường cho biết: Các chương trình, dự án triển khai tại xã thời gian qua tạo “đòn bẩy” giúp bà con phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Năm 2022 ghi dấu nhiều nỗ lực của địa phương trong công tác giảm nghèo, với tỷ lệ giảm nghèo đạt 11,09%, bằng 101,9% so với kế hoạch. Hết năm 2022, xã đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới.
Kết quả đạt được là nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành cùng sự vào cuộc chủ động của người dân, quyết tâm hoàn thành thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.