Trong 21 chỉ tiêu phấn đấu của huyện Si Ma Cai năm 2022, chỉ có 1 chỉ tiêu không hoàn thành là phát triển cây dược liệu. Năm 2022, huyện Si Ma Cai thực hiện được 38,62 ha, bằng 42,9% kế hoạch giao và bằng 82,9% so với năm 2021.
Ông Trần Xuân Huy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Si Ma Cai cho biết: Ngay từ đầu năm, trung tâm đã mời một số doanh nghiệp trong nước đến khảo sát điều kiện tự nhiên, đánh giá tiềm năng phát triển, tuy nhiên các doanh nghiệp không mấy mặn mà.
Diện tích trồng cây dược liệu Si Ma Cai năm 2022 chỉ đạt 42,9% so với kế hoạch được giao. |
Việc phát triển cây dược liệu đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn, kỹ thuật cao, trong khi đó, nguồn hỗ trợ sản xuất còn thấp, dẫn đến người dân không thiết tha với cây dược liệu. Phần lớn diện tích cây dược liệu hiện nay trên địa bàn huyện là cát cánh (hơn 30 ha), trồng chủ yếu ở xã Nàn Sín và xã Lùng Thẩn, còn lại một phần nhỏ là diện tích cây đương quy, tam thất và cây dược liệu khác.
Một nguyên nhân nữa khiến việc trồng dược liệu khó khăn là sự tụt hậu về nghiên cứu sản phẩm và đầu tư công nghệ chế biến. Hầu hết sản phẩm từ dược liệu ở dạng thô, chủ yếu là phơi khô hoặc ngâm rượu, rất ít sản phẩm tinh chế, đóng gói, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Hiện tại, trên địa bàn huyện duy nhất có Hợp tác xã Mản Thẩn (xã Quan Hồ Thẩn) chế biến dược liệu theo dạng sản phẩm sấy khô, túi lọc, đóng gói có bao bì, nhãn mác. Mặc dù đã đưa các sản phẩm dược liệu Si Ma Cai lên sàn giao dịch điện tử nhưng lượt người xem thì nhiều mà lượt người mua thì rất ít.
Cây cát cánh đã đến vụ thu hoạch nhưng rất khó về đầu ra, nông dân đang tự tìm các kênh tiêu thụ. Giá cát cánh trên thị trường bấp bênh, giá thu mua bình quân khoảng 15 nghìn đồng/kg. Như vậy, người trồng chỉ lấy công làm lãi. Trước đây, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp đến thu mua cát cánh vì đây là dược liệu dùng cho sản xuất các sản phẩm chữa ho, nhu cầu rất cao. Giờ đây, đại dịch đã được kiểm soát và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Si Ma Cai đã khuyến cáo nhưng người dân vẫn tiếp tục mở rộng diện tích trồng.
Có nhiều nguyên nhân khiến các doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào phát triển cây dược liệu tại Si Ma Cai. |
Năm 2022 khép lại với nhiều trăn trở cho việc duy trì và phát triển vùng dược liệu trên địa bàn huyện Si Ma Cai. Kinh tế dược liệu vẫn chưa đóng góp tương xứng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Làm thế nào để nâng cao giá trị dược liệu, chế biến sâu thay vì xuất thô đang là vấn đề đặt ra cho huyện nghèo này.
Ông Hoàng Văn Dương, Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai cho biết: Huyện xác định cây dược liệu là một trong những cây trồng chủ lực, thế mạnh để phát triển nông nghiệp hàng hóa theo tinh thần Nghị quyết 10-NQ/TU của Tỉnh ủy Lào Cai. Do vậy, sẽ tiếp tục nghiên cứu các chính sách hỗ trợ phát triển cây dược liệu; thu hút doanh nghiệp đến đầu tư, vận động các hợp tác xã và người dân trên địa bàn tích cực trồng cây dược liệu. Huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển cây dược liệu đến năm 2025 và yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Huyện Si Ma Cai sẽ tiếp tục mời các doanh nghiệp có tiềm lực để khảo sát thực tế, lập dự án đầu tư sản xuất dược liệu. Trường hợp không tìm được nhà đầu tư, huyện sẽ báo cáo tỉnh chuyển sang dự án hỗ trợ cộng đồng thông qua các tổ liên kết hợp tác sản xuất.
Huyện Si Ma Cai tập trung tuyên truyền người dân khôi phục lại diện tích dược liệu trước đây trong thời gian tới. |
Ngay từ đầu năm 2023, UBND huyện Si Ma Cai đã chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện tích cực tuyên truyền, vận động người dân khôi phục lại diện tích dược liệu (đương quy, đẳng sâm) trước đây. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với chính quyền các xã hướng dẫn người dân kỹ thuật làm đất, trồng và chăm sóc cây dược liệu, đồng thời định hướng nông dân liên kết thành tổ hợp tác, hình thành vùng trồng cây có quy mô, diện tích lớn để đầu ra được tập trung.