Khác với ngày chưa có dịch bệnh, nông dân Lào Cai ý thức cao về công tác phòng, chống dịch, không tập trung đông người và giữ khoảng cách an toàn theo đúng tinh thần Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Nông dân Mường Khương đeo khẩu trang khi làm ruộng. |
Sáng 17/4, một số địa phương trong tỉnh mưa nặng hạt, nhưng trên các cánh đồng thuộc xã Quang Kim (Bát Xát), không khí lao động sản xuất rất hăng say. Chị Vàng Thị Thuận, thôn Làng Kim đang chăm sóc những luống măng tây đến kỳ thu hoạch. Chị là người làm thuê cho chủ vườn, nhưng với chị Thuận đó là điều may mắn, bởi giữa tình hình dịch bệnh chị vẫn có việc làm thêm để tăng thu nhập. Mỗi ngày chị được trả công 150 nghìn đồng và bỏ ra công sức lao động xứng đáng với tiền công chủ vườn trả. Chị Vàng Thị Thuận cho biết: “Tranh thủ làm cỏ lúa xong, tôi xin chăm sóc vườn măng tây. Dịch bệnh không làm gì ra tiền, nên được thuê làm thêm thế này tôi thấy mình may mắn hơn nhiều người”.
Chị Vàng Thị Thuận, xã Quang Kim (Bát Xát) chăm sóc măng tây. |
Một số xã thuộc huyện Mường Khương thời điểm này đang vào vụ thu hoạch dứa. Trên những nương dứa cao, nông dân bịt khẩu trang, leo đồi cắt những quả dứa chín vàng ươm, thơm lừng về bán. Vụ dứa này, nông dân buồn hơn vui bởi giá dứa rẻ, khó tiêu thụ. Vùng dứa Mường Khương ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Mọi năm, thương lái đến tận nơi thu mua xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng năm nay vì dịch giao thương không thể thực hiện, bà con nông dân đành tìm mối tiêu thụ trong nước.
Chị Giàng Thị Gió thu hoạch dứa. |
Chị Giàng Thị Gió, thôn Pạc Bo, xã Bản Lầu (Mường Khương) bàn tay thoăn thoắt cắt những quả dứa đã căng mắt, ngả vàng xếp vào lù cở cho chồng chở xuống núi. Sau cơn mưa đêm, con đường trơn trượt nhưng chồng chị vẫn có thể chở hơn 100 kg dứa trên chiếc lù cở chuyên dụng. Chị Giàng Thị Gió không quên đem cơm lên nương ăn trưa. Bữa cơm ngày dịch bệnh được tiết kiệm chỉ có cơm trắng và chút cá khô cho no bụng. Chị Giàng Thị Gió chia sẻ: “Năm nay, dịch nên thu nhập từ trồng dứa giảm đi nhiều. Gia đình đang thực hiện tiết kiệm chi tiêu trong chính bữa ăn hằng ngày.
Nông dân Bát Xát đeo khẩu trang làm cỏ rau. |
Trong khi đó, không khí sản xuất cũng tất bật trên khắp các cánh đồng ở huyện Bảo Thắng. Đeo khẩu trang với nông dân Bảo Thắng đã thành thói quen để bảo vệ bản thân kể cả khi chưa có dịch. Nên giữa đại dịch, nông dân chấp hành nghiêm quy định này. Bên cạnh đó, mỗi nông dân ở một khoảng ruộng cách xa nhau, ngày thường, gặp nhau trên đồng ruộng, họ có thể đứng xúm lại nói chuyện một lúc cho quên mệt nhọc, thì nay khi cách ly xã hội, nông dân chỉ chào nhau rồi ai làm việc nấy. Anh Nguyễn Văn Bình, thị trấn Phố Lu đang phun thuốc cho những luống hoa cúc bị sâu bệnh. Anh Bình cẩn thận bảo hộ cho bản thân bằng khẩu trang. Những luống hoa cúc này cung cấp cho các chợ trên địa bàn tỉnh. Với giá bán tại vườn 1.500 đồng/bông, nhiều năm nay trồng hoa cúc đem lại thu nhập cao cho gia đình anh Bình.
Anh Nguyễn Văn Bình ở huyện Bảo Thắng chăm sóc luống hoa cúc. |
Nông dân Sa Pa làm thuê cho một nhà vườn. |
Từ vùng cao đến vùng thấp, giữa thời gian cách ly xã hội, nông dân Lào Cai vẫn chăm chỉ, miệt mài trên ruộng nương. Họ đang là những người chịu hậu quả nặng nề từ dịch bệnh, bởi sản phẩm tạo ra rất khó tiêu thụ. Nhưng với nông dân, thu nhập tỷ lệ thuận với những giọt mồ hôi trên ruộng đồng.
Sự chăm chỉ của nông dân thể hiện qua kết quả sản xuất nông – lâm nghiệp của cả tỉnh trong quý I. Hết quý I/2020, diện tích cây vụ đông cho thu hoạch tăng 5,6% so với cùng kỳ, toàn tỉnh hoàn thành gieo cấy trên 8.800 ha lúa xuân, chăn nuôi ổn định, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất ổn định, diện tích trồng rừng tăng.