Vụ đông năm nay, toàn tỉnh gieo trồng 10.600 ha cây trồng các loại, chủ yếu là rau, đậu, khoai lang, khoai tây… Tính đến đầu tháng 2, người dân đã thu hoạch được hơn 9.000 ha, đạt trên 85% diện tích gieo trồng, giải phóng đất cho sản xuất vụ xuân. Diện tích sản xuất vụ đông tập trung lớn ở các địa phương vùng thấp như huyện Bát Xát (1.850 ha), huyện Văn Bàn (1.800 ha), huyện Bảo Thắng (1.500 ha), huyện Bảo Yên (1.500 ha). Đây là những địa phương có điều kiện thời tiết ít khắc nghiệt hơn trong mùa đông, thị trường tiêu thụ thuận lợi so với các huyện vùng cao. Vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính, mang lại thu nhập cao.
Nông dân xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng) trồng cà chua trong vụ đông. |
Trên các cánh đồng của huyện Bảo Thắng và huyện Văn Bàn, thời điểm này hầu hết ruộng đã được cày ải, chỉ còn một phần nhỏ diện tích rau, củ vụ đông muộn đang đợi thu hoạch. Tranh thủ ngày nắng ấm, chị Nguyễn Thị Thu Trang (thôn Đồng Tâm, xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng) cùng con nhỏ ra ruộng thu hoạch củ khoai lang. Năm nay, gia đình chị trồng 3 sào khoai lang Nhật Bản ruột vàng. Khi hỏi về giá bán, chị Trang cho biết: Có người ở Lào Cai đang hỏi mua buôn với giá 15.000 đồng/kg nhưng tôi chưa muốn bán vì nếu bán lẻ thì được giá hơn (khoảng 20.000 – 25.000 đồng/kg). Năm nay, rau, củ loại nào cũng được mùa, được giá, thậm chí không đủ để bán.
Theo nhận định chung, vụ đông năm nay các loại cây trồng đều mang lại cho người dân những kết quả tích cực. Một số sản phẩm được sản xuất thành vùng, theo chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, nổi bật như sản xuất khoai tây tại huyện Văn Bàn, các loại rau, củ tại huyện Bát Xát và thị xã Sa Pa. Trong vụ đông này, có gần 30 doanh nghiệp, hợp tác xã bắt tay liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân trong tỉnh với tổng diện tích liên kết hơn 1.000 ha. Tiêu biểu là huyện Bát Xát, trên cơ sở những liên kết sẵn có từ sản xuất rau trái vụ, người dân tiếp tục liên kết để sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm trong vụ đông.
Ông Lưu Trọng Dương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bát Xát cho biết: Trên thực tế, để xuất bán sản phẩm ra các tỉnh khác thì rau vụ đông của Lào Cai nói chung và Bát Xát nói riêng sẽ rất khó cạnh tranh với rau của các tỉnh khu vực đồng bằng bởi lý do mẫu mã, giá thành sản xuất cũng như chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, với vai trò là cầu nối, chúng tôi thường xuyên tìm kiếm, mở rộng thị trường, giới thiệu sản phẩm, kết nối với các doanh nghiệp và ràng buộc trong tiêu thụ. Nếu như chúng tôi ưu tiên cung ứng các sản phẩm rau trái vụ cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp cũng cần ưu tiên tiêu thụ sản phẩm trong vụ đông cho người dân. Những năm gần đây, chất lượng rau, củ của Lào Cai dần được khẳng định ở thị trường ngoài tỉnh. Ngay trong vụ đông này, các sản phẩm của huyện Bát Xát được xuất đi thị trường Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, hiệu quả kinh tế từ sản xuất được tăng đáng kể.
Theo đánh giá của ngành trồng trọt, sản xuất vụ đông được lên kế hoạch ngay từ đầu năm (vụ xuân) với việc đẩy sớm thời vụ, lựa chọn các loại giống cây trồng phù hợp cũng như có phương án sản xuất, rải vụ hợp lý. Bởi thế, vụ đông được bắt đầu sớm từ tháng 9 với nhóm cây ưa ấm và kết thúc muộn tới cuối tháng 2 với những giống cây có chu kỳ sản xuất dài. Nhờ đó, sản phẩm vụ đông không bị ùn ứ hoặc thu hoạch tập trung vào một thời điểm như những năm trước.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh nhận định: Đến thời điểm này, có thể nói nông dân thắng lớn trong vụ đông năm nay. Giá trị sản xuất vụ đông ước đạt khoảng 85 triệu đồng/ha, có những diện tích trồng hoa, dược liệu, trồng cà chua giá trị đạt 300 triệu đồng/ha; những diện tích có liên kết giá trị đều đạt 120 – 150 triệu đồng/ha. Vụ đông trở thành vụ sản xuất chính, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao giá trị thu nhập trên cùng một diện tích canh tác cho người dân.