Ông Nguyên Viết Ánh, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Sa Pa cho biết, mô hình sẽ là cơ hội để hội viên nông dân thị xã làm quen với loại cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây cũng là mô hình hướng tới việc mở rộng diện tích trồng, nâng cao thu nhập cho nông dân và làm giàu thêm nguồn nguyên liệu, dược liệu quý hiếm cho Sa Pa, nhằm phục vụ nhu cầu về cây dược liệu quý cho các vùng và công ty dược liệu trong cả nước.
Hỗ trợ hội viên nông dân phường Sa Pả trồng cây sâm Lai Châu trong nhà lưới. |
Mô hình thử nghiệm ban đầu được đầu tư trồng 200 cây sâm Lai Châu, với 2 hộ gia đình nông dân tại tổ dân phố số 4, phường Sa Pả tham gia. Cùng với việc hỗ trợ cây giống, Hội Nông dân thị xã Sa Pa sẽ phối hợp với một số cơ quan chuyên môn để tổ chức tư vấn, hướng dẫn cho các hộ dân trong việc trồng, chăm sóc để cây sâm có thể phát triển một cách tốt nhất. Được biết, toàn bộ kinh phí cho mô hình được hội thực hiện xã hội hoá.
Cây sâm Lai Châu là loài có hàm lượng hoạt chất quý tương đương với sâm Ngọc Linh. Nghiên cứu định lượng saponin toàn phần bằng phương pháp cân cho thấy hàm lượng saponin toàn phần trong các mẫu sâm Lai Châu và sâm Ngọc Linh tương đương nhau (khoảng 20%); kết quả nghiên cứu khoa học chỉ ra sâm Lai Châu là nguồn gen đặc biệt quý hiếm tại Việt Nam và thế giới. Tất cả các bộ phận của cây đều có thể dùng làm thuốc. Do đó, sâm Lai Châu có nhiều tiềm năng để phát triển và chế biến thành hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Hiện nay, sâm Lai Châu đang có giá bán trên thị trường dao động từ 20-50 triệu đồng/kg, tuỳ thuộc vào độ tuổi của cây.