Mô hình canh tác rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng của gia đình anh Trần Ngọc Huế, thôn Đồng Lục, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng (ảnh chụp đầu tháng 3/2020). |
Sinh ra tại thôn Đồng Lục, xã Gia Phú (Bảo Thắng), từ nhỏ anh Trần Ngọc Huế đã quen với sản xuất nông nghiệp. Sau khi thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Gia Phú được vài năm thì anh quyết định sản xuất rau, quả theo hướng hữu cơ có áp dụng công nghệ cao. Năm 2018, anh đầu tư hơn 350 triệu đồng xây dựng 3.000 m2 nhà màng nhằm hạn chế sự tác động tiêu cực từ môi trường tự nhiên với cây trồng. Ngoài tưới nước, hệ thống chiếu sáng, phun thuốc sinh học cũng được anh thiết kế theo hướng tự động hóa, điều khiển qua điện thoại thông minh. Riêng khâu bón phân vẫn làm thủ công, bởi trồng rau, quả hữu cơ phải ủ phân chuồng hoai mục, không pha được vào hệ thống tưới.
Nhờ thiết kế ứng dụng công nghệ, gia đình anh Huế chỉ cần 2 lao động là có thể canh tác 3.000 m2 nhà màng. Anh Huế cho biết, canh tác rau, quả theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chúng tôi có thể kiểm soát được chế độ tưới nước, bón phân, nhiệt độ và sâu bệnh. Canh tác trong nhà màng cũng giúp giảm nhân công trồng, chăm sóc và thu hoạch. Hơn nữa, thời tiết mưa, nắng thất thường cũng ít ảnh hưởng đến việc canh tác.
Nhờ chịu khó tìm và ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 vào sản xuất, mỗi năm gia đình anh Huế đã thu được 5 tấn dưa lê hữu cơ. Với giá bán trung bình 60 nghìn đồng/kg, anh thu về 300 triệu đồng, lợi nhuận hơn 200 triệu đồng. Bắt đầu từ năm nay, anh tận dụng hạ tầng sản xuất sẵn có để trồng cà chua và sản xuất rau giống. Anh còn ứng dụng internet trong khâu tiêu thụ, có tới 30% sản lượng rau, quả do gia đình sản xuất được bán online.
Mô hình trồng lan của anh Nguyễn Văn Thành, phường Lào Cai (thành phố Lào Cai). |
Mặc dù sinh sống tại thành phố Lào Cai, nhưng anh Nguyễn Văn Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ phong lan thành phố Lào Cai cũng được gắn mác “nông dân”. Sản phẩm cây trồng của anh rất đặc biệt, giá trị lên đến hàng tỷ đồng. Vườn lan được anh thiết kế trên tầng 4 ngôi nhà anh ở, trước sau đều gắn camera theo dõi sự sinh trưởng, phát triển của lan, vườn lan cũng được lắp hệ thống tưới nước tự động, có thể điều khiển việc tưới nước từ xa. Anh Thành cho hay: trước đây, khi công nghệ chưa phát triển, hầu như ngày nào tôi cũng phải có mặt ở nhà để chăm sóc lan, tuy nhiên nhờ có camera và hệ thống tưới phun sương tự động, tôi theo dõi lan phát triển, theo dõi bệnh hoặc côn trùng từ xa. Có dịp gia đình đi du lịch dài ngày, tôi vẫn có thể ngắm những đứa “con cưng” của mình và chăm sóc lan từ một nơi cách xa cả nghìn cây số. Công nghệ ngày nay hiện đại và tiện lợi, người làm nông nghiệp cần nắm và đầu tư để giảm chi phí, công lao động trong sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi vẫn chỉ ứng dụng được một phần rất nhỏ của công nghiệp 4.0 do thiếu vốn đầu tư.
Đối với những người trồng lan như anh Thành, bán hàng online trên mạng internet cũng là một kênh rất hiệu quả. Tất cả những giò phong lan muốn bán hoặc trao đổi, anh đều đưa lên chào hàng trên trang facebook cá nhân. Thông qua facebook, bạn hàng không phải đến tận vườn mà có thể gọi video, trao đổi qua internet và chốt đơn. Anh Thành cũng có thể mua được những giò lan yêu thích qua mạng internet. “Đúng là công nghệ càng phát triển thì nông dân càng được lợi từ khâu trồng, chăm sóc đến tiêu thụ sản phẩm”, anh Thành cho biết thêm.
Facebook là kênh quảng bá và bán hàng hiệu quả với nông dân thời 4.0. |
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, Lào Cai đã có nhiều mô hình, diện tích canh tác được ứng dụng công nghệ cao và một phần công nghệ cao vào sản xuất. Nông dân đã xây dựng nhà công nghệ, nhà lưới, canh tác trên giá thể hoặc luống đất phủ nhựa PE, sử dụng hệ thống tưới phun hoặc tưới tự động, sản xuất theo quy trình nông nghiệp tốt (VietGAP), sơ chế, đóng gói, bảo quản sau thu hoạch… Toàn tỉnh hiện có 2.409 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 14.490 ha ứng dụng một phần công nghệ cao, tập trung ở thị xã Sa Pa và các huyện: Bắc Hà, Bảo Thắng, Mường Khương, Bảo Yên… Xu hướng ứng dụng công nghệ cao và những thành tựu của công nghiệp 4.0 sẽ trở thành xu hướng tất yếu và phát triển mạnh trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bước vào thời kỳ mới. Với tính cần cù, ham học hỏi, nông dân Lào Cai sẽ sớm trở thành “nông dân 4.0” theo đúng nghĩa nếu họ năng động, sáng tạo dám nghĩ, dám làm. Một nền nông nghiệp thông minh sẽ cần có những “nông dân 4.0” làm chủ công nghệ, khoa học kỹ thuật và ứng dụng vào sản xuất, đời sống hằng ngày.