Các sản phẩm OCOP và đặc sản nông nghiệp của Lào Cai được trưng bày giới thiệu tại Triển lãm thành tựu 10 năm xây dựng nông thôn mới toàn quốc tổ chức tại tỉnh Nam Định. |
Nhìn lại năm 2019, mặc dù sản xuất nông nghiệp còn gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan và dịch tả lợn châu Phi, nhưng với sự chỉ đạo sâu sát và kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân các dân tộc, ngành nông nghiệp tỉnh đã đạt được những thành tựu đáng phấn khởi, nhất là thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu đúng hướng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 10,32%. Nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò là “trụ đỡ”, duy trì đà tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Giá trị sản xuất nông – lâm nghiệp, thủy sản năm 2019 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 7.154,3 tỷ đồng, tăng 624 tỷ đồng so với năm 2018; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,02%. Cơ cấu kinh tế nội ngành tiếp tục có sự chuyển biến tốt, nông nghiệp giảm còn 82,36%, lâm nghiệp tăng lên 13,43%, thủy sản tăng lên 4,21%. Những cây trồng, vật nuôi chủ lực là thế mạnh của tỉnh tiếp tục khẳng định được hiệu quả kinh tế như cây chè, cây quế, lúa chất lượng cao, cây dược liệu, rau trái vụ, cây ăn quả ôn đới; gia súc, gia cầm bản địa và cá hồi, cá tầm. Những sản phẩm nông nghiệp tiềm năng cũng phát triển mạnh gồm: Atiso, sa nhân tím, quýt Mường Khương, hồng không hạt, chanh leo, chuối, dứa, ớt, dâu tằm, sả, cá chép. Năm 2019, giá trị sản phẩm đạt hơn 75 triệu đồng/ha.
Bước chuyển mạnh mẽ của ngành nông nghiệp Lào Cai là việc ứng dụng các thành tựu khoa học – công nghệ vào sản xuất; diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng nhanh, năm 2019 đạt 2.409 ha; giá trị sản phẩm đạt hơn 250 triệu đồng/ha/năm; vụ đông được mở rộng thành vụ sản xuất chính, đạt 10.500 ha, giá trị thu nhập đạt hơn 85 triệu đồng/ha. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ. Bên cạnh việc chủ động liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh cũng triển khai hiệu quả chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết số 12/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định chủ trương đầu tư 27 dự án của các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có tập đoàn lớn như Tập đoàn TH. Đến nay có 58 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm dược liệu, rau, chè, cây ăn quả, quế… với quy mô gần 15.000 ha, liên kết với gần 20.000 hộ nông dân, giá trị tiêu thụ qua liên kết khoảng 800 tỷ đồng. Quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm được tăng cường, thực hiện tốt, có 60 doanh nghiệp, hợp tác xã với 248 dòng sản phẩm được gắn mã nhận diện truy xuất nguồn gốc điện tử (QR Code); kết nối các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn với 70 chuỗi sản phẩm.
Lâm nghiệp phát triển theo hướng bền vững, chất lượng rừng ngày càng tăng, đảm bảo chức năng từng loại rừng. Diện tích rừng được tổ chức quản lý, bảo vệ tốt, đã có 5.730 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững quốc tế (FSC) và tỷ lệ che phủ rừng đạt 55,45%.
Mô hình dâu tây kết hợp với trải nghiệm ở xã Tả Phìn (Sa Pa). |
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai mạnh mẽ, tạo sức lan tỏa tới các tổ chức, cá nhân và các địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 52 sản phẩm được chứng nhận đạt sao OCOP cấp tỉnh.
Chăn nuôi gặp khó khăn do dịch tả lợn châu Phi, nhưng với tinh thần chủ động phòng ngừa nên đã kịp thời ngăn chặn và hạn chế lây lan cũng như thiệt hại đối với các hộ chăn nuôi. Sản lượng thịt hơi các loại đạt 58.612 tấn; thủy sản phát triển mạnh, sản lượng cả năm đạt 10.408 tấn.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào rộng khắp, tạo chuyển biến về nhận thức đối với các cấp, các ngành và nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh có 51 xã được công nhận xã nông thôn mới, vượt 1 xã so với mục tiêu đại hội; bình quân đạt 14,1 tiêu chí/xã. Đặc biệt, chương trình đã khơi dậy vai trò chủ thể, tạo niềm tin, tự giác tham gia của người dân và cộng đồng dân cư. Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, ngày càng khang trang, văn minh; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định chính trị – xã hội và bảo vệ môi trường, nên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã xây dựng Đề án số 01 về “Tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 – 2020” với mục tiêu thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị sản xuất, nâng cao đời sống người dân. Qua 4 năm thực hiện, trong số 10 chỉ tiêu của đề án đã có 5 chỉ tiêu vượt (tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất, sản lượng thịt hơi các loại, sản lượng thủy sản, số xã đạt chuẩn nông thôn mới); có 4 chỉ tiêu đạt hơn 93% (cơ cấu kinh tế nội ngành nông nghiệp, giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích canh tác, tổng sản lượng lương thực có hạt, tỷ lệ che phủ rừng); có 1 chỉ tiêu đạt 86,6% (thu nhập bình quân đầu người tại nông thôn). Trong 5 chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đến năm 2020, đến hết năm 2019 đã có 3 chỉ tiêu vượt (tổng sản lượng lương thực có hạt; số xã đạt chuẩn nông thôn mới; giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích canh tác); 2 chỉ tiêu đạt hơn 96% (tỷ lệ che phủ rừng, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh).
Năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 – 2020, những kết quả đã đạt được cùng các tiềm năng và lợi thế về sản xuất nông nghiệp trở thành tiền đề vững chắc tạo đà để ngành nông nghiệp Lào Cai tiếp tục phát triển và phát triển bền vững trong thời gian tới.
Sự phát triển mạnh mẽ của nông nghiệp Lào Cai đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định chính trị – xã hội của tỉnh, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, đưa Lào Cai trở thành tỉnh phát triển toàn diện ở khu vực miền núi phía Bắc.