Ngày 31/3, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) công bố báo cáo cho thấy, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6,4% trong năm nay – cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi châu Á, và sẽ tiếp tục tăng lên 6,6% trong năm 2024.
Với nhan đề “Triển vọng kinh tế Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ năm 2023: Phục hồi du lịch sau đại dịch”, báo cáo của OECD nhận định, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 8,0% vào năm 2022, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân trên toàn cầu, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh ở mức 6,4% trong năm nay, nhờ động lực chính là đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, đặc biệt là ngành điện tử, máy móc và giày dép.
Ngoài ra, OECD cũng cho rằng Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi sau khi Trung Quốc quyết định chấm dứt chính sách “Zero Covid” để nới lỏng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.
Với tốc độ này, OECD nhận định Việt Nam tiếp tục dẫn đầu tốp 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, cũng như đứng đầu trong nhóm các nền kinh tế mới nổi châu Á (gồm các quốc gia ASEAN, Trung Quốc và Ấn Độ) trong năm 2023.
Từ nền tảng này, OECD dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ tăng lên mức 6,6% trong năm sau.
Theo đó, trong nhóm các nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, tăng trưởng của Philippines dự báo sẽ đạt 5,7% năm 2023 và 6,1% năm 2024, Indonesia đạt lần lượt 4,7% và 5,1%, Malaysia tăng trưởng 4,0% và 4,2%, Thái Lan đạt 3,8% và 3,9%.
Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của các nền kinh tế châu Á mới nổi dự kiến sẽ tăng lên 5,3% vào năm 2023 và 5,4% vào năm 2024. Trong khi tăng trưởng GDP trung bình thực tế của các nền kinh tế ASEAN được dự báo sẽ đạt 4,6% vào năm 2023 và 4,8% vào năm 2024, thấp hơn so với năm 2022, nhưng cho thấy khả năng phục hồi.
Báo cáo đánh giá, các nền kinh tế mới nổi châu Á đã đứng vững trước những thách thức do đại dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraine và suy thoái kinh tế toàn cầu, một phần nhờ phản ứng chính sách tiền tệ và kinh tế vĩ mô phù hợp, cùng hoạt động xuất khẩu tích cực và nhu cầu nội địa mạnh.
Báo cáo chuyên đề của OECD tập trung vào phân tích tác động kinh tế của du lịch trong khu vực sau đại dịch, cùng với đó là cách thức tái định hình ngành công nghiệp không khói này để lấy lại vai trò quan trọng ở châu Á mới nổi.
Là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 và các biện pháp ứng phó với đại dịch, theo OECD, việc gián đoạn hoạt động du lịch cho phép các quốc gia trong khu vực xem xét các cải cách trong lĩnh vực này, bao gồm đa dạng hóa thị trường du lịch và giải quyết các thách thức của thị trường lao động, đồng thời đáp ứng các nhu cầu và sở thích mới của thế giới hậu đại dịch, trong đó dành ưu tiên cho các hoạt động bền vững và có trách nhiệm với môi trường và tăng tốc số hóa.
Quý I/2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 2,7 triệu lượt người. |
Đánh giá về du lịch Việt Nam, báo cáo của OECD nhận định, Việt Nam được biết đến với phong cảnh tuyệt đẹp, bao gồm bờ biển dài và những cánh rừng nguyên sinh, cùng sự đa dạng của các loại hình du lịch cộng đồng. Việt Nam cũng có thế mạnh về du lịch văn hóa và di sản, đồng thời là 1 điểm đến du lịch ẩm thực nhiều tiềm năng.
Theo OECD, thách thức mà du lịch Việt Nam phải tập trung khắc phục là nâng cao chất lượng hạ tầng, liên kết tốt hơn giữa các tác nhân cung cấp dịch vụ du lịch, tăng cường sự tham gia của cấp địa phương và kiểm soát du lịch ồ ạt tại các khu vực tự nhiên.
Trước đại dịch Covid-19, du lịch và lữ hành đã đóng góp khoảng 12% GDP ở các nền kinh tế Đông Nam Á, đồng thời tạo ra khoảng 11% việc làm ở toàn bộ khu vực châu Á mới nổi.
Do đó, báo cáo nhận định, sự quay trở lại của khách du lịch khi các hạn chế nhằm ứng phó đại dịch Covid-19 đã được dỡ bỏ sẽ là chìa khóa để thúc đẩy hơn nữa các nền kinh tế khu vực trong bối cảnh bất ổn và nhu cầu từ bên ngoài suy yếu.
Theo báo cáo, đại dịch cũng đã làm thay đổi sở thích du lịch của du khách. Ngoài du lịch địa phương và du lịch khám phá, việc áp dụng các hạn chế, phong tỏa và tập trung vào phòng, chống dịch bệnh đã làm nổi lên xu hướng du lịch thiên nhiên hoặc trải nghiệm tập trung vào sức khỏe và thể chất.
Tổng Thư ký OECD, ông Mathias Cormann cho biết, đại dịch đã làm thay đổi sở thích của khách du lịch, với sự quan tâm nhiều hơn đến du lịch địa phương, các điểm đến thiên nhiên và du lịch chăm sóc sức khỏe, đồng thời góp phần giúp nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường.
“Đa dạng hóa và mở rộng thị trường nội địa bằng cách tăng cường du lịch trong nước và nội khối ASEAN, đồng thời giải quyết các lỗ hổng về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, an ninh mạng và kỹ năng kỹ thuật số sẽ giúp “hồi sinh” ngành du lịch như một động lực tăng trưởng cho các nền kinh tế châu Á mới nổi”
– Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann –
Nhấn mạnh đây là cơ hội để tăng cường du lịch bền vững, Tổng Thư ký OECD khuyến nghị, đa dạng hóa và mở rộng thị trường nội địa bằng cách tăng cường du lịch trong nước và nội khối ASEAN, đồng thời giải quyết các lỗ hổng về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, an ninh mạng và kỹ năng kỹ thuật số sẽ giúp “hồi sinh” ngành du lịch như một động lực tăng trưởng cho các nền kinh tế châu Á mới nổi.
Báo cáo của OECD cũng nhận định, phát triển các liên kết giao thông vận tải mạnh hơn, đặc biệt là các hãng hàng không giá rẻ, có thể giúp thúc đẩy du lịch nội khối ASEAN, đặc biệt là tới các điểm đến có tương đối ít du khách quốc tế.
Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau phong tỏa cũng sẽ đóng vai trò quan trọng và mang lại sự thúc đẩy kinh tế cần thiết cho khu vực. Trong khi đó, Ấn Độ cũng là 1 thị trường nguồn phần lớn chưa được khai thác với dân số đông.
Theo OECD, các thị trường này có thể giúp các quốc gia Đông Nam Á đa dạng hóa luồng khách du lịch để tránh việc phụ thuộc quá nhiều vào bất kỳ quốc gia đơn lẻ nào với tư cách là nguồn khách du lịch chính.