Dự lễ phát động có đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thường trực Thị ủy, HĐND, UBND thị xã Sa Pa và người dân phường Hàm Rồng.
Quang cảnh lễ phát động.
Thực hiện Nghị quyết số 10 ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hoá tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Sa Pa đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng tập trung, trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế từng vùng. Với những tiềm năng về đất đai, khí hậu thuận lợi để phát triển cây trồng dược liệu, thị xã đã và đang đẩy mạnh đầu tư phát triển, phấn đấu đến năm 2025 đưa thị xã Sa Pa trở thành vùng cây dược liệu trọng điểm của tỉnh.
Đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại lễ phát động. |
Thị xã Sa Pa hiện có 210 ha cây dược liệu, gồm: Actiso, chùa dù, chè dây, sa nhân tím, đương quy, tía tô và các loại cây dược liệu dùng chế biến sản phẩm thuốc tắm người Dao đỏ. Trên địa bàn thị xã có 6 công ty, hợp tác xã đầu tư trong lĩnh vực sản xuất và chế biến các sản phẩm từ dược liệu, với công suất chế biến 5.800 tấn dược liệu tươi/năm; hơn 100 sản phẩm được sản xuất, chế biến từ cây dược liệu; doanh thu từ cây dược liệu đạt hơn 30 tỷ đồng/năm.
Năm 2022, thị xã Sa Pa được UBND tỉnh giao trồng 180 ha cây dược liệu, đến nay đã đạt 210 ha (vượt 40% kế hoạch). Thời gian tới, thị xã tiếp tục tuyên truyền, chỉ đạo người dân mở rộng diện tích trồng, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sơ chế, chế biến sâu, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.
Đại biểu cùng người dân phường Hàm Rồng trồng cây dược liệu. |
Phát biểu tại lễ phát động, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí, vai trò rất quan trọng trong tiến trình phát triển đất nước. Đối với Lào Cai, phát triển nông nghiệp góp phần đem lại ấm no, hạnh phúc cho đại bộ phận Nhân dân. Nghị quyết số 10 ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hoá tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được ban hành và triển khai thực hiện, trong đó xác định 6 cây, con chủ lực và đưa ra các giải pháp đồng bộ, căn cơ đã tạo động lực để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn mới; chú trọng áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp để nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân, tiếp tục có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Trong số 5 cây chủ lực thì cây dược liệu cho giá trị kinh tế cao, có tiềm năng phát triển rất lớn, nhất là đối với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của thị xã Sa Pa. Tuy nhiên, hiện diện tích dược liệu tại thị xã Sa Pa còn nhỏ lẻ, phân tán, dược liệu được thu hái và sản xuất chủ yếu bằng kinh nghiệm bản địa, chưa cập nhật, phổ biến theo các quy chuẩn, quy định trong nước và thế giới về thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc (GACP); liên kết trong sản xuất cây dược liệu chưa bền vững, chưa chú trọng trong sản xuất cây giống…
Đại biểu tham quan bàn trưng bày sản phẩm dược liệu của thị xã Sa Pa. |
Phó Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, nông dân chính là chủ thể quan trọng của các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản và chính nông dân mới tạo ra được giá trị, thu nhập trên mảnh đất của mình. Tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa bằng chính sách, khoa học, kỹ thuật để người dân triển khai hoạt động sản xuất. Vì vậy, cần xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà khoa học và với địa phương để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, để nông dân có thu nhập cao từ cây dược liệu.