LCĐT – Với chủ trương hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, Việt Nam đã tham gia các FTA song phương, đa phương. Tuy vậy, vấn đề chính mà nông sản Việt Nam nói chung và Lào Cai nói riêng đang phải đối mặt là mất an toàn vệ sinh thực phẩm và hàng rào kỹ thuật về chất lượng khi xuất khẩu. Để khắc phục tình trạng này, sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hữu cơ có thể coi là “chìa khóa vàng”.
Hiện nay, tỉnh Lào Cai là một trong 46 tỉnh thành trong cả nước có diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ lớn. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ của tỉnh đang đi đúng định hướng phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trong chiến lược phát triển nông nghiệp hiện nay, tỉnh Lào Cai đang lựa chọn các loại nông sản chủ lực, phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng địa phương để tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đồng thời với đó, sản xuất cần gắn với xây dựng thương hiệu nhằm đảm bảo nông sản có tính cạnh tranh, mở rộng kênh phân phối và thị trường tiêu thụ. Nông sản Lào Cai đang hướng tới thị trường xuất khẩu, đồng thời phát triển nông nghiệp hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm nông sản an toàn có giá trị dinh dưỡng cao góp phần cải tạo bảo vệ môi trường sinh thái… Đây là chủ trương lớn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát huy lợi thế so sánh của địa phương trong tỉnh.
Xác định sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại và hội nhập. Từ năm 2018 đến nay, tỉnh Lào Cai đã có một số doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư liên kết với các hộ dân tại địa phương để triển khai sản xuất một số sản phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ.
|
Chè hữu cơ của Hợp tác xã chè Bản Liền (Bắc Hà) có thể coi là mô hình đầu tiên đánh dấu mốc cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ của tỉnh, với hơn 400 ha được công nhận của 310 hộ nông dân tham gia liên kết, sản xuất. Sản phẩm chè Bản Liền đã có tên trên “bản đồ” chè quốc tế, được cấp 3 chứng nhận thẩm định chất lượng từ Hoa Kỳ và EU. Trung bình mỗi năm, người dân Bản Liền xuất bán cho doanh nghiệp và thị trường nội tiêu trong nước gần 1.000 tấn chè búp tươi, mang về nguồn thu hàng chục tỷ đồng. Trung bình mỗi ha chè của hợp tác xã có thể đem lại nguồn thu từ 80 đến 100 triệu đồng/năm.
Lào Cai phấn đấu đến năm 2025 có 4 ngành hàng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung đạt tiêu chuẩn hữu cơ Quốc gia và Quốc tế phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. 4 ngành hàng chủ lực được xác định là cây ăn quả, cây chè, cây quế và cây rau với tổng diện tích 18.885ha, đạt tối thiểu 1,5% diện tích nhóm đất sản xuất nông nghiệp. |
Tương tự, sản xuất chè hữu cơ tại xã Tả Thàng, huyện Mường Khương cũng đang phát huy hiệu quả kinh tế cao. Mường Khương hiện có 30 ha được chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ năm 2020, sản lượng 80 tấn/năm. Các cơ sở chế biến đã ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè hữu cơ với 80 hộ dân trong vùng. Với việc chuyển giao kỹ thuật sản xuất và đầu tư công nghệ chế biến đạt tiêu chuẩn hữu cơ, hàng năm, doanh nghiệp đã thu mua nguyên liệu chè của các hộ dân tham gia liên kết với giá trung bình là 35.000 đồng/kg cao hơn 10.000 đồng/kg so với giá thu mua nguyên liệu chè khi sản xuất đại trà.
Sau mô hình chè hữu cơ, sản phẩm tiếp theo được chứng nhận hữu cơ là quế. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 3.000 ha quế được chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ quốc tế, góp phần đưa Lào Cai trở thành một trong những tỉnh có diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất cả nước.
Không chỉ khẳng định uy tín tại thị trường trong nước, sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Lào Cai đang từng bước “ghi điểm” trên trường quốc tế với các loại nông sản chủ lực như chè, quế. Theo chủ trương của tỉnh, tới đây ngành nông nghiệp cùng các địa phương trong tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Các sản phẩm đạt chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ có liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng các mô hình tổ chức quản lý sản xuất, bảo quản và tiêu thụ…
Nông dân Bắc Hà khai thác quế hữu cơ. |
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hữu cơ của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế như chưa tương xứng với lợi thế của địa phương, chưa phát triển toàn diện trên các lĩnh vực của ngành nông nghiệp; doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư và nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế; người dân trình độ sản xuất vẫn lạc hậu khó tiếp cận với các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quy chuẩn; đội ngũ kỹ thuật và nguồn nhân lực tại địa phương phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ chưa được quan tâm đào tạo…
Ông Vương Tiến Sỹ , Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Lào Cai cho biết: Để đạt được mục tiêu như trên, ngành nông nghiệp Lào Cai xác định cụ thể những nhiệm vụ cần thực hiện trong giai đoạn tới. Trong đó nhiệm vụ “Thu hút, khuyến kích các tổ chức, doanh nghiệp, HTX đầu tư phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ, góp phần hỗ trợ hình thành và phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững” là nhiệm vụ hàng đầu đang được đặc biệt quan tâm, với các giải pháp đồng bộ và thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; doanh nghiệp đặt hàng với các tiêu chuẩn ký kết tiêu thụ theo liên kết chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm hữu cơ kết hợp với du lịch, nông nghiệp sinh thái. Ngành nông nghiệp Lào Cai kỳ vọng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của tỉnh sẽ có chỗ đứng bên vững trên thị trường và sẽ là một những tỉnh đứng đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp hữu cơ.