Phóng viên: Thưa đồng chí, với vị trí địa kinh tế – chính trị, cùng với điều kiện về giao thông, nguồn tài nguyên khoáng sản, du lịch… Lào Cai đã phát huy những lợi thế này như thế nào trong thu hút đầu tư?
Đồng chí Trịnh Xuân Trường: Lào Cai có vị trí địa kinh tế – chính trị chiến lược của cả nước và quốc tế bởi nằm ở vị trí “cửa ngõ”, tiền tiêu của biên giới phía Bắc, có vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh để trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị, đối ngoại quan trọng của vùng Tây Bắc. Lào Cai cũng là đầu mối, cầu nối quan trọng về thông thương kinh tế, giao lưu văn hóa không chỉ giữa Việt Nam và Trung Quốc mà của cả các nước ASEAN với thị trường vùng Tây Nam Trung Quốc; là trung tâm trung chuyển và dịch vụ logistics quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, một kết nối quan trọng của hành lang Bắc – Nam trong hợp tác các nước Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS).
Do vậy, thu hút đầu tư được tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện từ sớm. Ngay sau khi tái lập tỉnh, Tỉnh ủy đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế đối ngoại, được HĐND, UBND tỉnh cụ thể hóa bằng các quyết định, quy định quy trình tiếp nhận hồ sơ và giải quyết yêu cầu của các nhà đầu tư đăng ký kinh doanh tại Khu Thương mại Kim Thành, các cụm công nghiệp Đông Phố Mới, Bắc Duyên Hải theo cơ chế “một cửa”; có chính sách ưu đãi đầu tư vào các khu kinh tế trọng điểm thuộc Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai; thành lập tổ hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư trên địa bàn tỉnh…
Nút giao Phố Lu (nút giao thứ 5 của cao tốc Nội Bài – Lào Cai qua địa bàn tỉnh Lào Cai) góp phần nâng cao năng lực khai thác tuyến đường, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội khu vực. Ảnh: Ngọc Bằng |
Phóng viên: Thời gian qua, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, tuy nhiên Lào Cai vẫn đạt được nhiều thành công về thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn. Đồng chí cho biết những kết quả về lĩnh vực này?
Đồng chí Trịnh Xuân Trường: Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, trong đó có tỉnh Lào Cai, nhưng tỉnh vẫn là điểm sáng trong thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Năm 2021, Lào Cai đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 26 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn gần 10.054 tỷ đồng; quý I/2022 cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 5 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn gần 3.045 tỷ đồng.
Đến nay, Lào Cai có 28 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký gần 625 triệu USD. Các dự án tập trung chủ yếu tại thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, huyện Bảo Thắng, huyện Văn Bàn… Đây là các địa phương có nhiều lợi thế phát triển công nghiệp, nông nghiệp và du lịch.
Quý I/2022, 154 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn 1.325 tỷ đồng. Đến nay, trên hệ thống đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Lào Cai có 6.143 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký 84.560 tỷ đồng.
Phóng viên: Thưa đồng chí, Lào Cai có những giải pháp, đổi mới gì để nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài?
Đồng chí Trịnh Xuân Trường: Để đổi mới, nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, Lào Cai đã thực hiện nhóm giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh: Vận hành hiệu quả tổ hỗ trợ doanh nghiệp; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể hỗ trợ hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao uy tín của địa phương đối với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Lào Cai.
Ngoài các văn bản quy định của Trung ương, Lào Cai nghiên cứu xây dựng chính sách ưu đãi đặc thù phù hợp với các quy định hiện hành; cam kết tạo điều kiện cho các nhà đầu tư được hưởng mọi ưu đãi với mức tối đa theo quy định hiện hành của Nhà nước, nhất là các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất – nhập khẩu, tiền thuê đất, thuê mặt nước…
Đây là những tiền đề khẳng định sự đồng hành của chính quyền tỉnh với nhà đầu tư, tạo nền tảng ban đầu, giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, nhằm tập trung triển khai các hạng mục dự án quan trọng.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh khảo sát khu vực điều chỉnh, mở rộng quy hoạch trung tâm hành chính huyện Bắc Hà. |
Song song với thực hiện nhóm giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả nhóm giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư một cách bền vững như:
Xây dựng và công khai quy trình xử lý công việc ở tất cả các cơ quan, đơn vị để người dân, doanh nghiệp có thể kiểm soát tiến độ thực hiện các thủ tục, vướng mắc và trách nhiệm của người thụ lý. Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đổi mới tư duy quản lý, xem doanh nghiệp, nhà đầu tư là đối tượng phục vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “kỷ cương – trách nhiệm – tận tình – thân thiện” để phục vụ doanh nghiệp và người dân. Nghiên cứu, rà soát, cải tiến và ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu từ tiếp nhận, luân chuyển, xử lý hồ sơ và trả kết quả ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; cắt giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp trong khởi sự doanh nghiệp và thực hiện các quy định của Nhà nước.
Công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất chưa sử dụng trên địa bàn; ban hành khung giá đất sát với thực tế thị trường; công khai các nội dung của đồ án và quy định quản lý theo đồ án quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị đã được ban hành để các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, người dân có thể khai thác thuận tiện, tạo bình đẳng cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin.
Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về lĩnh vực đầu tư, nhất là giải quyết thủ tục hành chính đối với người dân và doanh nghiệp. Nhanh chóng tiếp cận và đưa vào vận hành Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư theo Luật Đầu tư mới. Đẩy mạnh việc đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư, nộp thuế thu nhập cá nhân trực tuyến; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sản phẩm; xây dựng hệ thống dữ liệu về quản lý doanh nghiệp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Tập trung triển khai Đề án đào tạo nhân lực giai đoạn 2020 – 2025, có cơ chế, chính sách thu hút nhân tài, chuyên gia giỏi về làm việc tại tỉnh; nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo nghề và phát triển kỹ năng cho người lao động.
Đề ra các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch từ các tổ chức tín dụng trên địa bàn.
Tỉnh tập trung hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bảo đảm an toàn; ban hành kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trong và sau dịch Covid-19 năm 2021 – 2022 với nội dung công việc và trách nhiệm cụ thể của từng sở, ban, ngành nhằm đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ theo nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và văn bản hướng dẫn của bộ, ngành liên quan…
Phối cảnh nhà ga Cảng Hàng không Sa Pa. |
Phóng viên: Vậy, đồng chí có thể chia sẻ về những ngành, lĩnh vực nào được tỉnh ưu tiên đầu tư và thu hút đầu tư?
Đồng chí Trịnh Xuân Trường: Với vị trí địa kinh tế – chính trị, cùng các lợi thế về giao thông, nguồn tài nguyên khoáng sản, tiềm năng du lịch, Lào Cai đặc biệt ưu tiên, khuyến khích các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ và logistics…
Phóng viên: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang trên đà phục hồi sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tỉnh có những hỗ trợ gì cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong bối cảnh này, thưa đồng chí?
Đồng chí Trịnh Xuân Trường: Với tinh thần đồng hành với doanh nghiệp, tỉnh Lào Cai tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 02 ngày 10/1/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đẩy mạnh công tác thể chế các quy định của luật và các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt nhất các dịch vụ công, đặc biệt là dịch vụ công liên quan đến thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng; tăng cường hiện đại hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính; thực hiện việc giảm mức thu đóng góp từ khai thác khoảng sản; điều chỉnh mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.
Mới đây, UBND tỉnh đã thành lập Tổ hỗ trợ doanh nghiệp, Tổ trưởng là Chủ tịch UBND tỉnh; các tổ phó là 2 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; thành viên là giám đốc các sở, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh…
Lào Cai nhất quán quan điểm “Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển; doanh nhân đồng lòng, chính quyền đồng hành”.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!