Sau ngày giải phóng, Văn Bàn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do hậu quả của chiến tranh và lịch sử để lại. Bên cạnh đó, các phần tử phản cách mạng cấu kết với bọn tàn quân luôn tìm mọi cách chống phá ta về nhiều mặt, gây mất ổn định về an ninh, trật tự trên địa bàn. Khắc phục khó khăn gian khổ, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, Nhân dân các dân tộc huyện Văn Bàn một lần nữa đoàn kết, anh dũng đập tan âm mưu “Phỉ hóa toàn dân” của thực dân Pháp (thời kỳ 1952 – 1954).
Đồng chí Nguyễn Thành Sinh tiếp xúc, đối thoại với cán bộ, đảng viên và Nhân dân xã Khánh Yên Thượng. |
Bước sang giai đoạn 1955 – 1975, Đảng bộ huyện tiếp tục tập trung xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, tập trung sức người, sức của góp phần cùng cả nước đánh thắng đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thực hiện Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”, Đảng bộ huyện Văn Bàn đã lãnh đạo thắng lợi việc chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, hàng trăm thanh niên Văn Bàn đã tham gia nhập ngũ, chiến đấu trên khắp chiến trường miền Nam. Địa phương đã thành lập 23 tiểu đội dân quân du kích, 9 tổ bắn máy bay; toàn huyện đã đào được 10 nghìn mét giao thông hào, 1 nghìn hầm trú ẩn, phối hợp với các lực lượng vũ trang tổ chức đánh 5 trận tập kích bằng không quân của địch vào địa phận huyện, bắn rơi 1 máy bay Mỹ. Với những đóng góp đó, Nhân dân các dân tộc huyện Văn Bàn đã góp phần cùng đồng bào, chiến sỹ cả nước bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, từ Đại hội VI (năm 1986), huyện Văn Bàn đã bắt nhịp với công cuộc đổi, liên tục đạt được những thành tích đáng tự hào trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng nhanh và phát triển toàn diện, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện rõ rệt, diện mạo từ thị trấn đến các thôn, bản có nhiều khởi sắc. Những thành tựu đó đã tạo thế và lực mới để Văn Bàn phát triển nhanh và vững chắc trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Suốt chặng đường 70 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển, mặc dù xuất phát điểm thấp, cùng với những khó khăn vốn có của một huyện miền núi, song trong bất cứ hoàn cảnh nào, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện qua các thời kỳ, Nhân dân các dân tộc huyện Văn Bàn luôn giữ vững truyền thống đoàn kết, một lòng theo Đảng, phấn đấu xây dựng huyện Văn Bàn ngày càng giàu đẹp.
Đặc biệt, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 – 2020, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Ban Chấp hành Đảng bộ, huyện Văn Bàn đã đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện. 25/25 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Đại hội. Kinh tế đạt mức tăng trưởng bình quân cả giai đoạn là 12,04%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 45,2 triệu đồng/năm; tỷ trọng ngành nông – lâm nghiệp giảm từ 34,9% còn 20,8%; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng lên 52%; thương mại – dịch vụ 27%. Đến nay, huyện Văn Bàn có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển đạt kết quả khá, với tổng nguồn vốn đạt gần 10 nghìn tỷ đồng trong cả giai đoạn, cao gấp 1,8 lần so với giai đoạn trước; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2019 đạt gần 210 tỷ đồng, bằng 2 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX.
Trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, huyện Văn Bàn tiếp tục đứng tốp đầu của tỉnh về phát triển giáo dục và đào tạo. Đến nay, huyện có 72 trường học (trong tổng số 85 trường) đạt chuẩn quốc gia các cấp độ. Phát triển văn hóa được chú trọng theo hướng phát huy giá trị tốt đẹp, lưu giữ bản sắc văn hóa của các dân tộc huyện Văn Bàn gắn với phát triển kinh tế. Công tác giảm nghèo đạt kết quả đáng khích lệ, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo còn 9,5%, bình quân mỗi năm giảm hơn 5% số hộ nghèo. Công tác quốc phòng, an ninh được quan tâm, thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp với thế trận an ninh Nhân dân được củng cố vững chắc. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội đạt hiệu quả với việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc; công tác xây dựng chính quyền, cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh.
Một buổi sinh hoạt của Chi bộ thôn Tu Hạ, xã Nậm Xé. Ảnh: Phạm Sơn |
Nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ huyện đặt mục tiêu đưa Văn Bàn trở thành huyện phát triển khá của tỉnh. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Văn Bàn lần thứ XXI đã xác định 19 chỉ tiêu lớn, 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và lựa chọn 2 lĩnh vực đột phá. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện cụ thể hóa bằng 8 đề án, 4 nghị quyết, 5 kế hoạch trọng tâm, trong đó đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động trong từng ngành, lĩnh vực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị gắn với phát triển thương mại, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư kinh doanh tại khu vực nông thôn, vùng khó khăn. Khai thác tiềm năng phát triển du lịch với các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; duy trì và nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế tài nguyên rừng để phát triển kinh tế.
Chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; làm tốt công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, phát huy giá trị của các khu di tích văn hóa, lịch sử; coi trọng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân và chất lượng dân số, bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện tốt chính sách lao động, việc làm, thu nhập, chính sách với người có công và giải quyết tốt các vấn đề xã hội.
Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, đảm bảo quyền làm chủ của Nhân dân; nâng cao vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội trong việc tham gia xây dựng Đảng và chính quyền các cấp; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Chặng đường phát triển phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng phát huy truyền thống cách mạng 70 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển, với sự đoàn kết, quyết tâm cao trong toàn Đảng bộ, sự tin tưởng, đồng thuận của Nhân dân các dân tộc, huyện Văn Bàn phấn đấu hoàn thành thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, đưa Văn Bàn trở thành huyện phát triển khá của tỉnh.
NGUYỄN THÀNH SINH
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Văn Bàn