Mô hình kinh tế hợp tác xã đã mang lại hiệu quả phát triển kinh tế cho địa phương.
Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, Lào Cai đã phát huy tốt kinh tế vườn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện đời sống của bà con Nhân dân. Đặc biệt, với sự chủ động kết nối của các hợp tác xã, tỉnh đang triển khai các mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ tuần hoàn, nông nghiệp sạch, tạo những “hạt nhân” quan trọng để xây dựng các chuỗi kinh tế nông thôn tuần hoàn, an toàn, thân thiện, sinh thái, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của địa phương.
Lào Cai hiện có 452 hợp tác xã với hơn 6.500 thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho gần 8.000 lao động và hàng chục nghìn lao động thời vụ. Doanh thu bình quân của hợp tác xã năm 2021 khoảng 773 triệu đồng, lãi bình quân đạt 93 triệu đồng, thu nhập bình quân của lao động trong hợp tác xã đạt 38 triệu đồng. Chất lượng hoạt động của các hợp tác xã ngày càng được nâng lên, hình thức quản lý, tổ chức sản xuất được đổi mới, lĩnh vực hoạt động đa dạng, sản phẩm hàng hóa ngày càng phong phú.
Điển hình là hợp tác xã chăn nuôi gia súc, gia cầm Quý Hiền, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng thành lập năm 2010, hiện có 34 thành viên. Hợp tác xã Quý Hiền liên kết cung ứng giống, tiêu thụ sản phẩm với các hộ dân chăn nuôi lợn trên địa bàn xã Sơn Hà với trên 6.000 con lợn, tạo việc làm ổn định cho trên 200 lao động. Sản lượng liên kết tiêu thụ trên 3.047 tấn thịt lợn/năm, tổng doanh thu ước đạt trên 213 tỷ đồng, trong đó doanh thu của hợp tác xã Quý Hiền ước đạt trên 162 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân 10 tỷ đồng mỗi năm.
Tại xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, hợp tác xã Rau an toàn Gia Phú đã đầu tư trồng trên 50 ha rau an toàn bằng phương thức canh tác hữu cơ. Nguồn phân bón sử dụng bằng mùn bã mía phối trộn với phân gà, dùng chế phẩm EM ủ hoai mục và diệt trừ nấm bệnh trước khi bón cho cây trồng. Nhờ đầu tư hợp lý, doanh thu của hợp tác xã Rau an toàn Gia Phú luôn đạt trên 1,5 tỷ đồng/năm, từ đó đem lại nguồn thu nhập cao cho thành viên, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Ở vùng cao xã Bản Liền, huyện Bắc Hà, những đồi chè Shan tuyết cổ thụ quý đã mang lại hi vọng cho người dân địa phương. Từ khi hợp tác xã chè Bản Liền đầu tư vào vùng nguyên liệu, xây dựng nhà máy chế biến, hướng dẫn người dân chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ và bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè búp tươi, chè Shan tuyết địa phương đã nâng cao được giá trị. Hiện nay, trung bình mỗi ha chè trên địa bàn xã có thu nhập từ 80 – 100 triệu đồng/năm, cao hơn rất nhiều lần so với các cây trồng truyền thống khác. Nhờ việc sản xuất ổn định của hợp tác xã, nhiều hộ trong xã có thu nhập cao, từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Năm 2021, người dân trong xã thu khoảng 21,2 tỷ đồng từ cây chè. Với người dân ở đây thì cây chè đã trở thành linh hồn của bản, đem lại no ấm cho người dân, nhiều hộ gia đình cũng có thu nhập ổn định từ trồng chè và vươn lên thoát nghèo.
Có thể thấy, với việc phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã đã mang lại hiệu quả phát triển kinh tế, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người dân ở nông thôn. Làm cho diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, góp phần cho địa phương hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.