Giai đoạn 2021 – 2025, Lào Cai sẽ xây dựng và vận hành 08 dự án chuỗi sản phẩm chủ lực có liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất với doanh nghiệp chế biến, làm đầu tàu thúc đẩy khả năng cạnh tranh các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh gắn với yêu cầu của thị trường tiêu thụ sản phẩm và phát triển thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu; đồng thời tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng gần 20.000 hộ nông dân tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ các sản phẩm chủ lực; tổ chức cấp mới 100 Giấy xác nhận chuỗi cung ứng nông sản an toàn.
Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm gạo của tỉnh Lào Cai.
Trong đó có 05 dự án chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ các cây trồng chủ lực gồm chè, dược liệu, rau, cây ăn quả, lúa gạo chất lượng cao; góp phần nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa các cây trồng chủ lực đạt khoảng 4.400 tỷ đồng, chiếm trên 50% giá trị ngành trồng trọt và 21,3% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; tổng số doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết 74 cơ sở. 02 dự án chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ vật nuôi chủ lực gồm thủy sản nước lạnh và lợn, gà; góp phần nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa các vật nuôi chủ lực đạt trên 5.500 tỷ đồng, chiếm 84% giá trị ngành chăn nuôi và 26,7% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; 82 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết. 01 dự án chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ quế góp phần nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa chủ lực ngành lâm nghiệp đạt trên 3.400 tỷ đồng và 16,5% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; với 13 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết.
100% sản phẩm sản xuất theo chuỗi được áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như VietGAP, LocalGAP, GACP, hữu cơ…, được quản lý bằng hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc nông sản an toàn. Đa dạng hóa mẫu mã, chất lượng sản phẩm sản xuất theo chuỗi bằng công nghệ chế biến tiên tiến để đáp ứng yêu cầu thị trường, đặc biệt các thị trường xuất khẩu.
Các dự án chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 – 2025 góp phần đa dạng hoá sản phẩm nông nghiệp hàng hoá có giá trị kinh tế cao; tạo ra các vùng sản xuất có quy mô lớn, sản phẩm chủ lực của tỉnh cạnh tranh được trên thị trường; nâng cao hiệu quả kinh tế, giá trị gia tăng cho sản phẩm theo hướng sản xuất bền vững mang lại thu nhập cao cho người sản xuất và doanh nghiệp; tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp, ngân hàng và nhà quản lý; thúc đẩy du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tạo lập một ngành nông nghiệp bền vững với việc giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường và đảm bảo lợi ích xã hội…/.