Quặng đồng có trữ lượng hơn 100 triệu tấn, hàng đầu Đông Nam Á, trong đó mỏ đồng Sin Quyền lớn nhất cả nước, là nguồn nguyên liệu chính cung cấp cho 2 nhà máy luyện đồng đang hoạt động ổn định, cung cấp mỗi năm ra thị trường khoảng 30.000 tấn đồng kim loại.
Quặng sắt trữ lượng hơn 180 triệu tấn, trong đó mỏ sắt Quý Xa lớn thứ 2 cả nước, là nguồn nguyên liệu chính cho Nhà máy Gang thép Lào Cai (công suất 500 nghìn tấn/năm) đang cung cấp gang thép cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đặc biệt, Lào Cai cùng với Lai Châu có trữ lượng đất hiếm lớn nhất Việt Nam, là loại khoáng sản giữ vai trò chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật công nghệ cao của Việt Nam và thế giới.
Với những tiềm năng, lợi thế, Lào Cai luôn quan tâm, định hướng công nghiệp khai khoáng phải đảm bảo hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả; gắn khai thác với chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị nguyên khoáng, đồng thời xác định là cầu nối trong chuỗi sản xuất công nghiệp Việt Nam. Vì vậy, trong những năm qua, Lào Cai tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong chuỗi sản xuất công nghiệp của cả nước.
Công nghiệp chế biến, chế tạo chuyển dịch đúng hướng. |
Xác định lợi thế, tiềm năng, là đòn bẩy kinh tế, giai đoạn 2001 – 2010, Lào Cai đã đưa 2 khu công nghiệp Đông Phố Mới và Tằng Loỏng đi vào hoạt động, trong đó Khu Công nghiệp Tằng Loỏng tập trung các nhà máy chế biến sâu khoáng sản đầu tiên của cả nước. Tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng bố trí các cơ sở sản xuất tập trung về hóa chất, phân bón và luyện kim. Công nghiệp chế biến sâu khoáng sản trở thành ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nền kinh tế và có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 gấp 5,2 lần năm 2000, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2001 – 2005 đạt 15,5%, giai đoạn 2006 – 2010 đạt 23,9%. Từ năm 2001 đến năm 2010, sự phát triển đột phá của ngành công nghiệp chế biến sâu khoáng sản đã đưa Lào Cai từ một trong những tỉnh nghèo nhất Việt Nam dần vươn lên thành tỉnh phát triển của vùng Tây Bắc. Đến nay, công nghiệp chế biến sâu Lào Cai tiếp tục đóng góp quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh. Năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 41.200 tỷ đồng; năm 2022 ước đạt khoảng 47.500 tỷ đồng (chế biến sâu khoáng sản chiếm 71,74%), từng bước khẳng định công nghiệp chế biến sâu khoáng sản Lào Cai là trung tâm luyện kim, hóa chất, phân bón của vùng và cả nước.
Tuy nhiên, Lào Cai cũng nhận thức rõ những khó khăn, thách thức trong phát triển công nghiệp chế biến sâu, đó là: Quy mô sản xuất công nghiệp còn nhỏ; hoạt động sản xuất chưa gắn với chuỗi giá trị, chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp còn thấp; chậm đổi mới khoa học công nghệ; năng suất lao động chưa cao; hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển… Tính liên kết trong vùng, khu vực đối với sản xuất chưa nhiều, nhất là liên kết hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp hỗ trợ và tiêu thụ sản phẩm, qua đó chưa thể hiện được dấu ấn, thành tựu phát triển công nghiệp chế biến sâu khoáng sản của vùng và khu vực.
Để trở thành trung tâm hàng đầu về luyện kim, hóa chất, phân bón của vùng và cả nước, Lào Cai xác định những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, cụ thể sau:
Phát triển công nghiệp chế biến sâu theo hướng tập trung, liên kết vùng và tiếp tục giữ vai trò quan trọng cho chuỗi sản xuất công nghiệp: Đảm bảo cung cấp ổn định nguyên liệu cho chuỗi sản xuất công nghiệp trong nước; ưu tiên mở mới, mở rộng các khu công nghiệp chế biến sâu tập trung; khuyến khích các tỉnh bạn trong vùng, khu vực liên kết tham gia chuỗi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp phụ trợ và chế biến sâu; phấn đấu đến năm 2030, giá trị sản xuất công nghiệp chế biến sâu khoáng sản gấp 2,5 – 3 lần so với hiện nay.
Đưa trình độ công nghệ chế biến sâu Lào Cai tiệm cận với trình độ công nghệ thế giới: Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa trên nền tảng khoa học – công nghệ; không ngừng áp dụng tiến bộ khoa học tiên tiến, hiện đại để nâng cao trình độ công nghệ sản xuất địa phương; phát triển các sản phẩm chế biến sâu khoáng sản có thương hiệu uy tín, giá trị, khả năng cạnh tranh cao và đáp ứng được các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.
Ngành công nghiệp đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của tỉnh. |
Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông: Tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, tạo mạng lưới liên hoàn, liên kết giữa các tỉnh trong vùng, giữa vùng với cả nước và quốc tế, tạo cơ sở vững chắc đưa sản phẩm công nghiệp chế biến sâu khoáng sản Lào Cai đến với các nước ASEAN và bạn bè quốc tế, đồng thời là trung tâm giao thương các sản phẩm công nghiệp của Lào Cai với cả nước và thế giới.
Xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm thu hút lao động công nghệ cao của vùng: Điều chỉnh hợp lý chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế, ưu tiên thực hiện các dự án chế biến sâu có sử dụng công nghệ cao, quản trị hiện đại, tạo nhiều việc làm và có khả năng lan tỏa phát triển.
Hoạt động sản xuất của Công ty Cổ phần hóa chất Đức Giang Lào Cai.
Xây dựng Lào Cai trở thành trụ cột đầu tư: Với định hướng là trung tâm hàng đầu cả nước về luyện kim, hóa chất, phân bón với công nghệ tiên tiến hiện đại, Lào Cai sẽ là điểm đến của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước và quốc tế, góp phần sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường…
Với những thuận lợi, đặc trưng của tỉnh Lào Cai, sự lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ tích cực của Trung ương, sự ủng hộ của các địa phương trong vùng, ngành công nghiệp chế biến sâu khoáng sản Lào Cai sẽ sớm trở thành trung tâm hàng đầu về luyện kim, hóa chất, phân bón của cả nước.
Hoàng Chí Hiền
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương